Dịch Covid-19: Ba lời khuyên cho bệnh nhân bị ung thư
Hiện tại đã có hai bệnh nhân mắc ung thư nhiễm virus Sars-CoV-2. Theo các chuyên gia nếu bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 thì sẽ rất nguy hiểm.
Bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 sẽ nguy hiểm hơn.
Ba điều chú ý
Mới đây, bệnh nhân số 237 là bệnh nhân quốc tịch Thụy Điển. Bệnh nhân được phát hiện bệnh bạch cầu cấp (một dạng ung thư máu), song song với đó, các bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đã gửi mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Kết quả bệnh nhân này dương tính với virus Sars-CoV-2.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 71 tuổi, địa chỉ tại An Hòa, Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 11/3, bệnh nhân đi khám, điều trị ung thư tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai và về trong ngày.
Ngày 18/3, bệnh nhân khám lại tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 19/3 quay lại quê ở Vĩnh Phúc. Trong thời gian khám tại Bệnh viện Bạch Mai có mua đồ ăn ở căng tin. Từ ngày 19-28/3, bệnh nhân tự cách ở nhà, không đi đâu.
Ngày 28/3, bệnh nhân biểu hiện sốt nhẹ nên nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 01/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc lấy mẫu bệnh phẩm và ngày 2/4 gửi mẫu bệnh phẩm đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho kết quả dương tính Sars-CoV-2.
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím cho biết dịch Covid – 19 đặc biệt nguy hiểm với bệnh nhân ung thư.
TS Vũ chia sẻ minh chứng điển hình đó là một huấn luyện viên bóng đá ở Tây Ban Nha qua đời khi mắc Covid -19. Dù huấn luyện viên này còn trẻ và trong quá trình nhiễm Covid – 19 bác sĩ phát hiện anh bị kèm ung thư máu. Nếu ung thư máu có thể điều trị kéo dài thêm thời gian sống nhưng vì đi kèm với bệnh Covid – 19 nên huấn luyện viên trẻ này đã bị đánh gục.
Virus Sars -CoV -2 là virus mới xuất hiện, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh. Hiện nay, việc điều trị chính vẫn là điều trị hỗ trợ, có nghĩa là sử dụng thuốc men, thiết bị y tế để hỗ trợ cho người bệnh. Người nhiễm virus khỏi bệnh chủ yếu nhờ vào hệ miễn dịch của chính mình. Vì thế tình trạng suy giảm miễn dịch trở thành yếu tố nguy hiểm của người bệnh Covid-19.
Tình trạng suy giảm miễn dịch thường gặp ở phần lớn người bệnh ung thư do ảnh hưởng của hóa trị, xạ trị; những người bị bệnh ung thư máu; những người đã trải qua ghép tủy, ghép gan,... trong quá trình điều trị ung thư và phải đang sử dụng thuốc kìm hãm hệ miễn dịch để chống đào thải.
Trong báo cáo của WHO cũng cho thấy bệnh nhân ung thư có xác suất chết vì Covid-19 cao hơn người thường, khoảng 7,6%.
Gần đây, tạp chí chuyên ngành “The Lancet” cũng có đăng một bài phân tích về số liệu lâm sàng của nhóm nghiên cứu ở bệnh viện Quảng Đông về “Ảnh hưởng của bệnh Covid-19 đến bệnh nhân ung thư”, nhóm tác giả của nghiên cứu này đã đưa ra 3 lời khuyên cho người bệnh ung thư trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang lan tràn đó là:
Thứ nhất, nên cân nhắc hoãn lại các điều trị bằng hóa trị/phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư đang trong giai đoạn ổn định.
Thứ hai, người bệnh ung thư và người đã từng điều trị ung thư cần được bảo vệ kỹ hơn để tránh lây nhiễm virus Sars-CoV-2.
Thứ ba, bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 cần được quan tâm theo dõi kỹ hơn để có những phương pháp điều trị hỗ trợ kịp thời, nhất là những người lớn tuổi và có sẵn những bệnh khác nữa.
Bệnh nhân ung thư khám như thế nào?
Tại bệnh viện K trung ương tất cả những bệnh nhân đến khám, điều trị đều được bệnh viện bố trí camera tầm nhiệt để công tác sàng lọc đảm bảo thuận tiện, hiệu quả
Tại khu vực sảnh nhà A, Bệnh viện đã bố trí hệ thống camera tầm nhiệt, người đến sẽ được kiểm tra thông tin khai báo y tế, đo nhiệt độ tự động và nếu không có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được đóng dấu đã kiểm tra y tế để di chuyển trong khuôn viên bệnh viện.
Cán bộ y tế sẽ thuận tiện hơn chỉ cần khai thác thông tin yếu tố dịch tễ của người đến và kiểm tra bản khai y tế, giúp cho việc sàng lọc hiệu quả hơn rất nhiều
Theo GS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K trung ương, người bệnh ung thư đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm Covid-19 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng (cần điều trị ICU - Hồi sức tích cực hoặc tử vong) cao hơn so với người không ung thư.
GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết các thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là thuốc sử dụng trong hóa trị, có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch. Người bệnh bị sốt khi điều trị nhưng không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần người nghi mắc Covid-19 không quá lo lắng nhưng nếu có biểu hiện ho, sốt bất thường, người bệnh hãy liên lạc với bác sĩ điều trị và tuân thủ các hướng dẫn.
Nguồn: [Link nguồn]
Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phối hợp Bộ Y tế vừa xây dựng các infographic về bảo vệ nhóm những...