Đi khám vì rối loạn cương dương, phát hiện ung thư tuyến tiền liệt
TS.BS. NguyễnQuang, Giám đốc Trung tâm Nam học –BV Việt Đức cho biết, bệnh nhân bị rối loạn cương dương đi khám và phát hiện ung thư tuyến tiền liệt cực kỳ hiếm gặp.
Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt.
Ngày 5/12, TS.BS. Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học –BV Việt Đức cho biết, ngày 1/11, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân Mào Văn N., 51 tuổi, quê ở Điện Biên đến khám vì thấy tình trạng cương dương của dương vật bị giảm, khó duy trì độ cương cứng dương vật.
Qua thăm khám, người bệnh nghi ngờ có biểu hiện của ung thư tuyến tiền liệt. Bệnh nhân đã được sinh thiết tuyến tiền liệt ngày 14/11/2016. Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư tuyến tiền liệt. Hiện nay, bệnh nhân đang được điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt tại Trung tâm Nam học – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo bác sĩ Quang, tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt đứng hàng thứ 35 trong các loại ung thư ở nam giới; đến năm 1997, bệnh lý này đứng hàng thứ 8 trong 10 loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới và trong những năm gần đây, tỉ lệ ung thư tuyến tiền liệt có chiều hướng gia tăng.
Tiến sỹ Bác sỹ Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam cho biết, thông thường, người bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường đi khám vì các rối loạn tiểu tiện.
Khi khám bệnh, thầy thuốc tìm hiểu các triệu chứng và có thể phát hiện những biểu hiện về rối loạn tình dục kèm theo. Nhưng trường hợp như bệnh nhân N thì rất hiếm gặp.
“Người bệnh đi khám vì rối loạn cương dương, các thầy thuốc phải khám rất cẩn thận và toàn diện thì mới có thể phát hiện được bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt. Nếu không phát hiện được ung thư tuyến tiền liệt, bệnh nhân sẽ chỉ được điều trị rối loạn cương dương mà bỏ qua một bệnh lý nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Quang cho hay.
GS-TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu cho biết, ung thư tuyến tiền liệt là khối u ác tính xuất phát từ tế bào biểu mô của tuyến tiền liệt.
Ung thư tuyến tiền liệt thường di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết… Bệnh có thể gây đau đớn và khó khăn trong việc đi tiểu, quan hệ tình dục, hoặc rối loạn chức năng cương dương…
Theo ông Khoa, phương pháp điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt hiện nay bao gồm: Phẫu thuật (phẫu thuật mở, nội soi), cắt lạnh; nội tiết (cắt bỏ tinh hoàn bằng phẫu thuật hoặc bằng thuốc), điều trị bằng hóa chất; xạ trị (xạ chiếu ngoài, xạ áp sát) và cấy hạt phóng xạ là phương pháp mới và tiên tiến nhất hiện nay.
Đặc biệt, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu áp dụng thử nghiệm phương pháp cấy hạt phóng xạ cho bệnh nhân ung thư tiến liệt tuyến.