Đi khám vì đau đầu, người đàn ông phát hiện suy thận giai đoạn cuối

Sự kiện: Bệnh thận

Đi khám bệnh vì đau đầu, mệt mỏi kéo dài, anh T.V.T (34 tuổi) ở Ba Vì – Hà Nội không ngờ mình lại bị suy thận mạn giai đoạn 5 và phải lọc máu cấp cứu.

Anh T. cho biết, trước đây chưa từng đi kiểm tra sức khỏe nên không biết trong người có bệnh. Gần đây xuất hiện đau đầu, mệt mỏi, người bệnh đã đến khám tại phòng khám gần nhà, được chẩn đoán bị viêm xoang và điều trị bằng thuốc uống, thuốc tiêm. Tuy nhiên, tình trạng không đỡ, các dấu hiệu mệt mỏi tăng lên, xuất hiện phù nhiều hai chi dưới, tiểu ít, bệnh nhân đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra.

Hình ảnh người bệnh T.V.T đã đỡ mệt, không phù, tiểu được, toàn trạng ổn định hơn sau thời gian điều trị

Hình ảnh người bệnh T.V.T đã đỡ mệt, không phù, tiểu được, toàn trạng ổn định hơn sau thời gian điều trị

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, siêu âm tổng quát đã cho thấy bệnh nhân bị thiếu máu HC 3,24 T/L, HST 90 g/l; huyết áp cao 180/100 mmHg; chức năng thận suy giảm nhiều Ure 28,28 mmol/L, creatinin 810,9 mmol/L; trên siêu âm 2 thận đã teo nhỏ, có dịch ổ bụng và dịch màng phổi hai.

Anh T. được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối/tăng huyết áp, thiếu máu, tràn dịch đa màng, đã được chuyển vào điều trị nội trú.

Tại Trung tâm thận lọc máu, các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định điều trị theo hướng lọc máu cấp cứu, điều trị triệu chứng, kiểm soát bệnh nền, nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung đạm thận, đồng thời phẫu thuật tạo cầu nối thông động tĩnh mạch để chạy thận nhân tạo lâu dài.

Theo các bác sĩ, những biến chứng của suy thận vô cùng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, việc phòng ngừa bệnh là điều vô cùng cần thiết.

Dưới đây là những cách có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải suy thận:

Thiết lập lối sống lành mạnh: Chúng ta phải luyện tập thể thao hằng ngày để có thể duy trì cân nặng và nâng cao sức khoẻ. Bên cạnh đó, cần theo dõi thường xuyên và duy trì chỉ số huyết áp ở mức cho phép. Đồng thời, kiểm soát lượng đường acid uric và cholesterol có trong máu. Đặc biệt, tránh xa rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích.

Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Giảm ngay lượng muối, đạm và dầu mỡ trong bữa ăn hằng ngày. Đồng thời, bổ sung thêm các loại rau, củ, quả có lợi cho sức khỏe. Đừng quên mỗi ngày phải uống từ 1,5 cho đến 2l nước.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu thận bị suy giảm chức năng để có phương pháp điều trị kịp thời.

Nguồn: [Link nguồn]

Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học là cách tốt nhất bảo vệ 2 quả thận quý báu cũng như sức khỏe tổng thể. Đặc biệt với người suy thận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh thận Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN