Đi khám lưỡi, người đàn ông sốc vì nhận tin mắc ung thư
Sau khi thăm khám các bác sĩ đã chỉ định sinh thiết vùng tổn thương ở lưỡi và kết quả giải phẫu bệnh ung thư biểu mô vảy.
Nam bệnh nhân 60 tuổi đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ khám sau 3 tháng điều trị viêm niêm mạc lưỡi tại nhà.
Sau khi thăm khám các bác sĩ đã chỉ định sinh thiết vùng tổn thương ở lưỡi và kết quả giải phẫu bệnh ung thư biểu mô vảy. Người đàn ông đã rất sốc vì kết quả này.
(Ảnh minh họa).
Theo các bác sĩ BV đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, dấu hiệu mà bạn cần nghĩ ngay đến ung thư lưỡi như sau:
Giai đoạn đầu
Cảm giác khó chịu như xương đâm ở lưỡi. Ngoài ra ở lưỡi có một điểm nổi phồng với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Thậm chí có thể sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường. Khoảng 50% bệnh nhân có hạch ngay từ đầu. Hạch hay gặp là hạch dưới cằm, dưới hàm, cảnh cao.
Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn này được phát hiện do đau khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói, nuốt. Người bệnh có thể sốt do nhiễm khuẩn, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh. Ngoài ra còn cảm thấy đau tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai; tăng tiết nước bọt; chảy máu vùng miệng kèm theo hơi thở mùi khó chịu do tổn thương hoại tử gây ra. Một số trường hợp gây khít hàm, cố định lưỡi khiến bệnh nhân nói và nuốt khó khăn. Ở giai đoạn này xuất hiện ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi bị hạn chế vận động, không di động được.
Giai đoạn tiến triển của ung thư lưỡi
Ở giai đoạn này, thể loét chiếm ưu thế, loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới, gây đau đớn, gây bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ chảy máu, thậm chí có thể gây chảy máu trầm trọng. Thường phải khám bệnh nhân ở trạng thái đã gây tê để hạn chế phản ứng của người bệnh do đau đớn. Việc thăm khám rất quan trọng để đánh giá độ thâm nhiễm xuống phía dưới, độ xâm lấn vào các mô tiếp cận: sàn miệng, trụ amiđan, amiđan, rãnh lưỡi,…và đo kích thước khối u.
Biểu hiện ung thư lưỡi giai đoạn cuối
Sút cân: Triệu chứng này xuất hiện khi tình trạng bệnh đã tiến đến bước khó trị.
Mệt mỏi: Bạn có cảm giác luôn luôn mệt mỏi. Biểu hiện này xảy ra thường xuyên và không có lí do. Vậy thì rất có thể bệnh ung thư lưỡi của bạn đang ở giai đoạn nặng.
Rối loạn tiêu hóa: Ăn nhanh no là một biểu hiện phổ biến ở bênh ung thư lưỡi. Sau khi ăn xuất hiện tức bụng, xảy ra tình trạng đầy hơi, buồn nôn. Bụng trở nên căng, đại tiện thay đổi, trong phân có lẫn chất nhày.
Sốt: Triệu chứng này kéo dài vài tháng. Làm cho bệnh nhân khó chịu và vô cùng mệt mỏi.
Khám hạch: khoảng 40-50% các trường hợp có hạch ngay từ lần khám đầu tiên, trong đó 3/4 là hạch di căn. Hạch dưới cằm dưới hàm hay gặp, hiếm gặp các hạch cảnh giữa và dưới. Đa số các tổn thương: 80% gặp ở bờ tự do của lưỡi, 10% gặp ở mặt dưới lưỡi, 8% gặp ở mặt trên lưỡi, 2% gặp ở đầu lưỡi
Yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư lưỡi
Hút thuốc lá
Được biết đến là tác nhân hàng đầu của ung thư phổi, nhưng việc hút thuốc còn là nguyên nhân của hàng loạt bệnh ung thư, trong đó có ung thư lưỡi. Khói thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đôi với ung thư miệng và cổ họng, mà lưỡi là cơ quan không thể tránh khỏi.
Uống rượu, sử dụng chất kích thích
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, có khoảng 70-80% bệnh nhân bị ung thư lưỡi hoặc ung thư miệng đều là những người rất hay sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
Tiếp xúc với tia xạ
Thường xuyên tiếp xúc với các tia bức xạ cường độ cao cũng có nguy cơ phát triển bệnh ung thư miệng và lưỡi cao hơn so với người bình thường.
Lịch sử gia đình
Gen di truyền là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh ung thư lưỡi. Nếu người thân trong gia đình có thành viên mắc phải căn bệnh thì bạn có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn gấp nhiều lần bình thường.
Nhiễm virus HPV
Trong số 100 loại virus HPV được người ta tìm thấy, có một hoặc một vài loại có khả năng gây nên bệnh ung thư lưỡi cho người bệnh.
Chế độ ăn uống thiếu hợp lý
Thiếu vitamin E, D.. hay chất xơ từ hoa quả cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư.
Để phòng ngừa ung thư lưỡi mọi người cần thăm khám ngay khi thấy dấu hiệu bất thường để chẩn đoán, phát hiện bệnh và kết hợp nhiều phương pháp điều trị nhằm nâng cao hiệu quả.
Nguồn: [Link nguồn]
Mặc dù người đàn ông này không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên nhưng lại mắc ung thư vì thường xuyên ăn đồ ngọt.