Đi khám bệnh, khi nào mới cần xét nghiệm máu?

Sự kiện: Sống khỏe

“Vì xét nghiệm hiện nay rất dễ dàng, thuận tiện nên bác sĩ cứ lạm dụng. Điều này là rất dở”, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng nói.

Theo ghi nhận, đến chiều tối, tại các phòng xét nghiệm của một bệnh viện lớn ở Hà Nội vẫn còn khá đông bệnh nhi và người nhà ngồi chờ kết quả xét nghiệm máu, nhiều phụ huynh tỏ ra mệt mỏi vì thời gian chờ đợi quá lâu.

Trước tình trạng này, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay máy móc hiện đại, việc làm xét nghiệm quá dễ dàng nên nhiều bác sĩ còn phụ thuộc vào máy, lạm dụng kết quả xét nghiệm.

“Vì xét nghiệm hiện nay rất dễ dàng, thuận tiện nên bác sĩ cứ lạm dụng. Điều này là rất dở”, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng nói.

Đi khám bệnh, khi nào mới cần xét nghiệm máu? - 1

Bệnh nhi và người nhà mệt mỏi chờ kết quả tại bệnh viện.

Theo PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, quy trình thầy thuốc gồm: Hỏi bệnh, hỏi triệu chứng. Trong các triệu chứng, triệu chứng nào là quan trọng. Từ đó bác sĩ sẽ theo đúng con đường chẩn đoán.

“Sau khi hỏi bệnh, bác sĩ khám lâm sàng, khám da dẻ thế nào, biểu hiện thế nào. Bác sĩ sẽ tổng hợp nhìn, sờ, gõ, nghe là 4 kỹ năng để đưa ra quyết định chẩn đoán”, bác sĩ Dũng cho hay.

Cũng theo PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, nhiều bệnh chỉ cần khám lâm sàng đã có thể kết luận. Bác sĩ không cần phải xét nghiệm hay thậm chí xét nghiệm cũng không ra bệnh. Bệnh nhân vừa mất thời gian, vừa tốn chi phí cho một chỉ định xét nghiệm không cần thiết.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo một số nhân viên y tế, nếu khám ra bệnh rồi thì không nên chỉ định cho bệnh nhân xét nghiệm vì không giúp gì cho việc kê đơn thuốc mà làm khổ bệnh nhân.

Tuy nhiên, đối với bệnh sốt xuất huyết (với số ca mắc cao như hiện nay), thường có biểu hiện như sốt cao đột ngột liên tục 3 đến 7 ngày, buồn nôn, đau bụng thì bắt buộc phải làm xét nghiệm.

Sau vài ngày, người bệnh sẽ có dấu hiệu phát ban, xuất huyết theo nhiều dạng khác nhau như chảy máu cam, đốm xuất huyết dưới da (thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng,…), đi tiểu ra máu, lừ đừ, mệt mỏi và gan to.

Một số trường hợp diễn biến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp không đo được. Tất cả những trường hợp trên, trẻ phải nhập viện cấp cứu ngay để bác sĩ xét nghiệm máu và có thể kịp thời chẩn đoán, điều trị hiệu quả hơn.

Đi khám bệnh, khi nào mới cần xét nghiệm máu? - 2

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Ngoài ra, trong trường hợp sốt liên tục không hạ thì đó có thể là vấn đề lớn. Nếu sốt kéo dài hơn 3 ngày, nên đi kiểm tra máu.

Để người bệnh bớt khổ sở bởi nhiều loại xét nghiệm, chiếu chụp, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện phải hướng dẫn và yêu cầu bác sĩ khi chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp phải rà soát những kết quả xét nghiệm bệnh nhân đã có, nếu có thể sử dụng được thì không cần làm lại. Những xét nghiệm nào chưa có, cần bổ sung để phục vụ chẩn đoán thì mới chỉ định thực hiện, tránh lãng phí và gây tốn kém tiền bạc, thời gian và công sức của người bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chỉ rõ, với những xét nghiệm đắt tiền, nếu buộc phải chỉ định làm lại thì cần tư vấn giải thích, tránh gây bức xúc cho người bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN