Đi chợ giữa lúc ngoài nắng hơn 50 độ C, người phụ nữ nguy kịch
Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) đã tiếp nhận và điều trị cấp cứu thành công cho bệnh nhân bị say nắng trong lúc đi chợ vào thời điểm nhiệt độ ngoài trời rất cao.
Khoa Hồi sức tích cực – BVĐK Hà Đông vừa tiếp nhận và điều trị cấp cứu thành công cho bệnh nhân Nguyễn Thị B, 61 tuổi ở Vạn Phúc, Hà Đông bị say nắng trong khi đi chợ vào thời điểm nhiệt độ ngoài trời rất cao (có lúc hơn 50 độ C)
Bệnh nhân được Trung tâm cấp cứu 115 đưa vào khoa cấp cứu ngoại trong tình trạng hôn mê sâu, không tiếp xúc, sốt cao 42 độ C, nôn nhiều, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn thân nhiệt. Bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân mang theo người.
Ngay khi vào viện, bệnh nhân được chuyển vào hồi sức tích cực, chỉ định đặt ống nội khí quản thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, làm các xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan, chụp CT não. Nhận thấy có tình trạng suy thận chức năng, CT sọ não ghi nhận tình trạng phù não cấp tính, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân bù nước điện giải, hạ sốt, chườm mát, chống phù não. Với sự nỗ lực của các y, bác sĩ, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhân B sau một ngày điều trị ở Khoa Hồi sức tích cực (BVĐK Hà Đông). Ảnh: BVCC
BSCKI Nguyễn Sơn Nam (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) cho biết, sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, được rút ống nội quản. Sau khi bệnh nhân tỉnh cung cấp thông tin, bệnh viện đã liên hệ với người nhà. Nhận cuộc gọi từ phía bệnh viện, gia đình đã rất vui mừng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các bác sĩ đã tận tâm chăm sóc mẹ mình. Trong thời gian bệnh nhân B ở viện không liên hệ được người nhà, bệnh viện đã bố trí người chăm sóc toàn diện từ vệ sinh, quần áo, ăn uống…
Bác sĩ Nam khuyến cáo, cơ thể con người có cơ chế điều hòa thân nhiệt cân bằng, quanh mức 37 độ C. Nếu cơ thể ở trong thời tiết nắng nóng kéo dài, trên 41 độ C, chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng dẫn đến hôn mê, co giật. Các đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là những người lao động ngoài trời nắng nóng với cường độ liên tục. Nếu sốc nhiệt xảy ra với người có bệnh lý mãn tính, người già, trẻ nhỏ thì diễn biến nặng và khả năng phục hồi sẽ khó khăn hơn.
"Thời điểm vàng để cấp cứu là 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng. Nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này, hiệu quả gần như đạt 100%. Ngược lại, bệnh nhân chậm được cấp cứu, làm mát trong vòng 3 giờ sau khi đột quỵ não do nóng, tỷ lệ tử vong rất cao" – BS Nam cho hay.
Để phòng tránh nguy hiểm, người dân đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần thực hiện các biện pháp để phòng tránh sốc nhiệt. Nếu bắt buộc phải làm việc dưới trời nắng nóng cần chia nhỏ thời gian làm và nghỉ ngơi xen kẽ; khi đi ra đường phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng; uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả; bổ sung đồ uống giàu chất điện giải; bôi kem chống nắng và tăng cường rèn luyện sức khỏe.
Miền Bắc đang bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt và rất dễ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, say nắng…
Nguồn: [Link nguồn]