Dẹp loạn giá thuốc
Nếu áp dụng đúng quy chế đấu thầu mới, giá một số loại thuốc có thể giảm 20%-30% so với hiện nay.
Chi phí tiền thuốc chiếm đến 60% chi phí điều trị, do đó kiểm soát chi phí thuốc có ý nghĩa quan trọng trong giảm chi phí điều trị. Quy định mới về đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế đang được kỳ vọng là công cụ để ngăn chặn đường vòng, nâng giá thuốc bất hợp lý.
Theo quy định, giá thuốc trong bệnh viện phải thấp hơn ngoài thị trường. Trong ảnh: Mua thuốc tại nhà thuốc của Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TPHCM. Ảnh: QUỐC THẮNG
Hạn chế “ăn” chênh lệch
Ngày 7/12, tại hội nghị về đấu thầu thuốc do Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng mặc dù các khảo sát cho thấy giá thuốc tại Việt Nam không cao hơn giá thuốc tại một số nước trong khu vực song vẫn tồn tại bất hợp lý. Đó là cùng một loại thuốc nhưng giá cung ứng vào bệnh viện (BV) khác nhau, vẫn còn thuốc trong BV có giá cao hơn thị trường và thuốc còn phân phối lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá thuốc lên cao bất hợp lý.
Nhiều hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn thuốc biệt dược nhập ngoại để hưởng chênh lệch... “Cùng với chấn chỉnh công tác đấu thầu, sẽ phải thực hiện các giải pháp đồng bộ kiểm soát giá. Sắp tới, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ rà soát toàn bộ danh mục thuốc BHYT vì danh mục thuốc hiện nay quá rộng rãi, nhiều thuốc hỗ trợ chứ không có tác dụng điều trị trực tiếp. Việc này làm tăng tình trạng kê quá mức cần thiết, đội chi phí điều trị. Không thể để vỡ quỹ BHYT vì tiền thuốc!” - bà Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Tiến, hiện tỉ trọng thuốc tại Việt Nam khá lớn, chiếm 50%-60% chi phí y tế. Hệ thống BV công lập cũng sử dụng khoảng 40% tổng trị giá tiền thuốc sử dụng trong cả nước và 2/3 các đơn vị mua thuốc thông qua đấu thầu tập trung. Tuy nhiên, việc đấu thầu thông qua thông tư cũ ban hành từ năm 2007 có nhiều bất cập. Thông tư này không quy định kết quả đấu thầu thuốc phải thấp hơn giá thuốc kê khai niêm yết trước đó nên phần nào đã “tiếp tay” cho việc đẩy giá thuốc lên cao và cùng một loại thuốc nhưng khi trúng thầu với nhiều mức giá. “Quy định mới này sẽ hạn chế được tiêu cực, làm những đơn vị muốn gian lận để “ăn” chênh lệch giá rất khó khăn” - bà Tiến khẳng định.
Đấu thầu sai làm loạn giá
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Ban Dược BHXH Việt Nam, cho biết Thông tư 01 mới hướng dẫn thực hiện đấu thầu thuốc vào BV có hiệu lực từ nhiều tháng nay nhưng đến năm 2013 mới có thể áp dụng đại trà vì tại thời điểm có hiệu lực các cơ sở y tế đã hoàn tất công tác đấu thầu trong năm. Theo thông tư này, các cơ sở y tế phải lập kế hoạch đấu thầu tối thiểu 1 năm/lần, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng thuốc đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm thuốc đó, thay vì 7-10 thuốc cùng trúng thầu như từng diễn ra trước đây.
Mỗi cửa hàng thuốc vẫn một giá khác nhau
Tuy vậy, theo bà Yến, với một số cơ sở thực hiện đấu thầu thuốc vào BV theo quy định mới đã xuất hiện một số thuốc có hàm lượng “lạ” cung ứng vào BV. “Đơn cử như thuốc Cefalexin ngoài thị trường có hàm lượng biệt dược là 250 mg, 500 mg nhưng trong danh mục trúng thầu có hàm lượng 300-700 mg và chỉ có một số ít doanh nghiệp cung ứng mặt hàng này. Tính khác biệt này chính là hình thức chỉ định thầu nên hiển nhiên doanh nghiệp trúng thầu” - bà Yến phân tích.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết theo kết quả đấu thầu thuốc vào năm 2011, cùng một biệt dược, cùng một hàm lượng và cùng một công ty sản xuất nhưng giá trúng thầu vào các BV chênh nhau một trời một vực là không hiếm. Chẳng hạn thuốc Arginin 200 mg của Armephaco có nơi trúng thầu với giá 650 đồng/viên nhưng có BV là 1.100 đồng/viên (chênh lệch 69,2%); thuốc Perabact của Sance (Ấn Độ) trúng thầu vào Đồng Tháp là 18.000 đồng/hộp, vào Cần Thơ là 30.000 đồng/hộp (chênh lệch 66,7%). Hay thuốc Cefoperazon 1 g (Việt Nam) có giá 28.000 đồng/hộp tại BV Phổi Trung ương nhưng lại có giá 36.750 đồng/hộp tại BV Trung ương Huế (chênh lệch 31,3%). Cũng do đấu thầu chưa phù hợp, biệt dược gốc của nhà phát minh trúng thầu lại rẻ hơn các thuốc sản xuất theo công thức của nhà phát minh của Ấn Độ và Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, chất lượng và giá thuốc cung ứng vào BV luôn được kiểm soát chặt chẽ. Với 1.200 thuốc do BV cung ứng, hầu như đã chấm dứt tình trạng giá thuốc trong BV cao hơn giá thị trường. “Thậm chí BV còn treo thưởng “Ai phát hiện được thuốc của nhà thuốc BV bán cao hơn thị trường sẽ được thưởng 20 triệu đồng” - ông Hiền khẳng định.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Minh Dân (Nam Định), cho rằng nếu áp dụng đúng quy chế đấu thầu mới, giá của một số loại thuốc có thể giảm 20%-30% so với hiện nay.
Khống chế lợi nhuận từ thuốc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu: Nhanh chóng thí điểm “áp dụng thặng số toàn chặng” đối với các thuốc thiết yếu do ngân sách Nhà nước và BHYT chi trả. Theo đó, các thuốc này sẽ bị khống chế lãi suất từ giá nhập khẩu, giá gốc đến giá bán lẻ, chỉ cho phép lợi nhuận được chấp nhận từ 20%-30%. Khống chế mức chênh lệch lãi suất nhằm ngăn chặn tình trạng thuốc phân phối lòng vòng, qua nhiều tầng nấc, đẩy giá cao bất hợp lý. |