Dễ viêm loét họng khi súc miệng nước muối không đúng cách
Việc súc miệng, súc họng bằng nước muối là một trong những cách vệ sinh miệng được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, đã có trường hợp nhập viện vì tổn thương niêm mạc miệng, loét họng bởi thói quen súc miệng nước muối không đúng cách.
Với trẻ nhỏ cần thận trọng khi cho trẻ súc ngậm nước muối mặn
Viêm loét họng vì “chăm” ngậm muối hạt
Rất nhiều người nghĩ rằng, súc miệng bằng nước muối thật mặn, ngậm muối biển hạt to để trị viêm họng là tốt. Để phòng bệnh mũi, họng, bà Mai Thị Hảo (ở Hà Nội) có thói quen súc miệng nước muối mỗi ngày. Tuy nhiên, bà không sử dụng nước muối sinh lý mà tự pha nước muối với nồng độ mặn cao vì nghĩ càng mặn sẽ càng dễ “giết” vi khuẩn. Thậm chí, nhiều khi bà còn ngậm thẳng muối hạt. Gần đây, thấy họng đau nhiều dù bà vẫn súc miệng, ngậm muối hạt hàng ngày. Khi nói chuyện hay mỗi khi ăn uống đều khó khăn. Đi nội soi mũi họng, các bác sỹ chẩn đoán bà bị viêm loét họng.
Vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Hùng (ở Hải Dương) còn áp dụng cách này cho cậu con trai 5 tuổi của mình. Do thấy con bị ho, kêu rát họng, anh liền cho con ngậm một nhúm muối hạt. Mấy ngày trôi qua, con không đỡ mà còn kêu đau họng hơn và bị sốt cao. Lấy đèn soi vào miệng con, anh hoảng hốt khi thấy toàn bộ vòm họng của con có nốt loét đỏ. Đang đêm, vợ chồng anh vội bế con đến viện vì sợ tay chân miệng. Vào viện khám, bác sỹ cho biết họng của bé bị tổn thương nặng, vi khuẩn xâm nhập dẫn đến viêm họng, sốt cao mà nguyên nhân chính là do ngậm muối.
Trao đổi về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Danh Đức (Bệnh viện Đa khoa Medlatec Hà Nội) cho biết, thời tiết thay đổi là môi trường thuận lợi để vi khuẩn tấn công đường hô hấp. Nhiều người sẽ có cảm giác ngứa họng hay khậm khạc, khám tại chỗ thấy thành bên họng hơi đỏ, rát. Việc rửa mũi, súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý rất có lợi trong việc ngăn ngừa vi khuẩn tấn công đã được nhiều chuyên gia khuyên dùng. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng khi mọi người sử dụng nước muối đúng cách.
Không ít bệnh nhân giữ thói quen ngậm muối, súc miệng nước muối tự pha với nồng độ cao vì nghĩ càng mặn càng sát khuẩn tốt. Đây là quan điểm sai lầm. Thực ra, cơ thể luôn ở trạng thái pH trung tính nên nồng độ các dung dịch súc miệng có pH ở dạng toan hoặc kiềm đều không phù hợp, rất dễ gây tổn thương các tế bào. Hơn nữa khi viêm họng, họng đã bị tổn thương. Ngậm muối trắng càng dễ làm niêm mạc tổn thương nặng hơn, trở thành yếu tố thuận lợi để vi khuẩn phát triển có thể gây nên các bệnh khác. Từng có bệnh nhân bị tổn thương nặng vùng niêm mạc miệng do tự pha nước muối quá mặn, thậm chí là loét họng.
BS Hồng Hạnh
TS. BS Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trẻ nhỏ nếu cho ngậm muối nguyên chất càng nguy hiểm hơn. Vì còn nhỏ nên trẻ thường khó ngậm cho tan mà sẽ nuốt. Ăn nhiều muối quá vào cơ thể không tốt. Khi cơ thể thừa muối dễ gây ra các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, suy thận, hạn chế hấp thụ canxi gây nên chứng còi xương, thấp còi ở trẻ khi trưởng thành.… Hơn nữa, khi ngậm muối mặn vào miệng, trẻ dễ bị sặc, rát họng hơn. Niêm mạc họng sẽ bị tổn thương, trợt loét các tế bào niêm mạc họng, gây viêm họng, gặp vi khuẩn sẽ dễ dàng sinh ra nhiễm khuẩn.
Các bậc cha mẹ chỉ nên sử dụng nước muối sinh lý súc miệng và cũng chỉ cho trẻ lớn trên 5 tuổi mà gia đình hướng dẫn được con súc miệng đúng cách. Còn nếu không, có thể khuyến khích con đánh răng bằng nước muối, hoặc nhỏ mũi để sát khuẩn mũi họng.
Nên súc miệng lâu khoảng 5 phút
Theo ThS.BS Nguyễn Danh Đức, khi súc miệng mọi người cũng cần phải chú ý đến thời gian súc miệng và súc miệng trước khi súc họng mới có hiệu quả. Cụ thể, khi làm sạch họng cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối trong khoảng 30 giây để loại bỏ vi khuẩn ở miệng. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới nên súc họng. Thời gian súc miệng cần ngậm ít nhất khoảng 5 phút, chứ không phải súc rồi nhả ra luôn như nhiều người vẫn đang làm.
Sau khi súc miệng, họng xong bằng nước muối loãng thì nên súc miệng lại bằng nước lọc để rửa hết lượng muối cũng như mảng bám đã bong ra lúc súc miệng bằng nước muối. Nhiều người vẫn nghĩ sau khi dùng nước muối phải giữ nguyên, không được súc lại bằng nước lọc mới có hiệu quả. Tuy nhiên, tráng miệng lại với nước sạch để rửa hết lượng muối cũng như mảng bám đã bong ra lúc súc miệng bằng nước muối.
Đối với người bị viêm họng, nên cứ 3 giờ súc họng một lần, hoặc khoảng cách giữa hai lần súc họng có thể gần hơn. Điều quan trọng nhất là phải nhớ súc họng trước và sau khi ngủ.
Các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng nước muối ở nồng độ tương đương nồng độ của cơ thể, vừa giúp bảo vệ lớp tế bào niêm mạc họng vừa có tác dụng sát khuẩn. Tốt nhất mua nước muối sinh lý đã được pha theo tỷ lệ chuẩn (9/1.000). Nếu tự pha để dùng, nước muối chỉ nên có độ mặn hơn nước canh thường dùng một chút.
Để tránh gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, trường hợp viêm họng cấp cần nhanh chóng điều trị và điều trị dứt điểm để tránh biến chứng thành viêm họng mạn tính (viêm họng hạt). Nên đến cơ sở y tế khám, điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ. Ngoài ra, thời tiết thất thường hiện nay trẻ cũng dễ bị sổ mũi. Cha mẹ có thói quen bơm nước muối vào mũi để vệ sinh cho trẻ cần phải thận trọng. Vì nếu không cẩn thận rất dễ làm nước vào xoang, xuống phổi gây viêm. Đồng thời, việc này cũng đẩy vi khuẩn vào trong phổi thay vì chỉ nằm trong vùng họng như ban đầu. Thậm chí, có trường hợp mẹ dùng nước muối bơm rửa mũi cho con khiến bé bị viêm phổi phải đi cấp cứu.
Cách pha nước muối sinh lý Nước muối mặn quá hay nhạt quá đều không tốt cho sức khỏe. Phù hợp với cơ thể nhất là nước muối sinh lý 0,9% (với nồng độ 0,9% -9 g muối trên 1.000ml nước). Bạn có thể mua ở bất kỳ các hiệu thuốc nào trên toàn quốc. Nếu muốn dùng nước muối tự pha, bạn có thể áp dụng cách pha với tỷ lệ như sau: 1 lít nước đun sôi để nguội pha với 9 g muối để có nồng độ 0,9 %. ThS.BS Nguyễn Danh Đức |