Để ốc vít lọt vào tủy gây liệt bệnh nhân

Bệnh nhi 11 tuổi đến BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM mổ vẹo cột sống. Tuy nhiên, sau mổ bệnh nhi bị liệt. Gia đình cho rằng đã có ba con ốc vít bắt trong cột sống lọt vào… tủy, còn bác sĩ điều trị thì thừa nhận chỉ có một con.

Anh Nguyễn Võ Trung, 36 tuổi ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, bố của bệnh nhi Nguyễn Đăng Khoa, 11 tuổi, kể con anh bị vẹo cột sống bẩm sinh. Gia đình được giới thiệu đến PGS-BS Võ Văn Thành - BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM để điều trị. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn nếu mổ thì sẽ giúp bé lấy lại được 50-60% so với người bình thường nên gia đình đồng ý.

Để ốc vít lọt vào tủy gây liệt bệnh nhân - 1

Bệnh nhi bị liệt sau mổ vẹo cột sống

Ngày 1/6, bé được mổ nắn chỉnh cột sống. Ca mổ bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng đến 3 giờ chiều. Tuy nhiên, sau 1,5 giờ hồi sức, chúng tôi thấy người bên Trung tâm y khoa Medic qua và đẩy con tôi ra. Tôi hỏi thì bác sĩ nói cháu bị trục trặc chân không cử động được nên qua bên đó chụp lại để kiểm tra. Chụp xong PGS Thành cầm phim về và nói phải phẫu thuật lại để rút con vít ra. Bác sĩ đã yêu cầu gia đình ký cam kết để mổ lại. Ca mổ thứ hai bắt đầu từ 7 giờ đến 10 giờ đêm cùng ngày và sau đó đẩy bé xuống phòng săn sóc đặc biệt”, anh Trung kể lại.

Sáng hôm sau anh qua Trung tâm y khoa Medic lấy kết quả phim MRI chụp thì mới biết đã có vít số 2, 3 và số 9 lọt vào bên trong tủy của con mình sau khi mổ lần một, trong khi đêm trước bác sĩ Thành nói với gia đình chỉ có một con vít lọt vào tủy, chẻ đôi tủy?

Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Võ Văn Thành, Khoa Cột sống A, BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, cho biết bệnh nhi Khoa đến bệnh viện trong tình trạng vẹo cột sống nặng. “Với đứa trẻ 11 tuổi mà vẹo 890, đường cong lớn là ca khó”- ông Thành nói và cảnh báo nếu không mổ sớm bệnh của Khoa ngày càng nặng và đưa đến vấn đề bệnh lý hô hấp, ảnh hưởng qua tim mạch. “Việc chỉ định kỹ thuật mổ nắn chỉnh bằng ốc chân cung cho bé là đúng”- bác sĩ này khẳng định.

Bác sĩ thừa nhận một ốc vít lọt vào... tủy

Khi được hỏi vì sao bệnh nhi bị liệt sau mổ, bác sĩ Thành cho rằng sau mổ bệnh nhi biến chứng liệt. “Kết quả chụp CT phát hiện ốc số 2, 3, 9 bên trái có vẻ lấn vào ống sống. Nhưng khi thám sát thấy ốc 2,3 không có vấn đề, riêng ốc 9 có lẽ do tiến trình nắn nên con ốc lấn vào phía trong tủy, ngoài màng cứng và có thể gây biến chứng liệt. Tôi đã mở và tháo ốc ra để giải áp liền ngay lập tức”- bác sĩ Thành giải thích.

Mới đây, BV Chấn thương Chỉnh hình đã hội chẩn với BV 115, BV Chợ Rẫy và BV phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp kết luận: Bệnh nhi bị tổn thương tủy ngực đốt thứ 10 (phù hợp với ốc thứ 9), liệt hạ chi. Nguyên nhân bệnh nhi có khả năng tổn thương tủy do quá trình nắn vẹo cột sống và cố định dụng cụ. Tiên lượng thời gian phục hồi chức năng lâu dài.

Bác sĩ Thành khẳng định ông một mình thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi và lỗi kỹ thuật là do ông gây ra. “Đây là tai biến không muốn xảy ra, tôi thương lo cho bệnh nhân. Vì vậy, sau mổ tôi đưa ra phương án nhờ người em làm vật lý trị liệu có kinh nghiệm tập cho bé và tôi là người trả tiền, nhưng gia đình chưa lựa chọn. Thứ hai, về lâu dài có thể qua Nhà may mắn và cuối cùng là qua BV Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp tập vật lý trị liệu”- bác sĩ Thành nói. Theo anh Trung gia đình đã đóng tạm ứng cho bệnh viện 102 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền thuốc gia đình mua riêng với giá một liều kháng sinh gần 1,3 triệu đồng. Anh Trung mong muốn bệnh viện phải có trách nhiệm về tai biến gây ra cho con anh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nguyễn - Tùng Sơn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN