Dễ mất mạng với những thực phẩm lạ

Liên tiếp những vụ ngộ độc do ăn thực phẩm lạ như thịt chuột xào măng, ốc sên nướng, côn trùng chiên… cho thấy món ăn lạ, độc vẫn có sức hút lớn đối với nhiều người. Tuy nhiên, để an toàn cho sức khỏe, các chuyên gia khuyên mọi người cần chú ý nguồn gốc cũng như cách thức chế biến của những loại thức ăn này.

Dễ mất mạng với những thực phẩm lạ - 1

Nhiều món ăn từ côn trùng gây độc nếu chế biến không đúng cách. Ảnh: T.L

Ngộ độc, tử vong vì khoái món ăn “độc, lạ”

Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngự (Đồng Tháp) vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân cùng một nhà bị ngộ độc thực phẩm nặng, sau khi ăn cơm cùng với món chuột xào măng. Theo người nhà bệnh nhân, chiều ngày 6/8, cả gia đình bà Lâm Thị Hoa (SN 1961) ăn cơm cùng với món thịt chuột xào măng. Vài giờ sau đó, cả 3 người đều có triệu chứng đau bụng dữ dội, buồn nôn và tiêu chảy nhiều lần. Cả 3 người may mắn thoát chết vì vào viện cấp cứu kịp thời. Các bác sỹ kết luận, họ bị ngộ độc thực phẩm từ món thịt chuột xào măng.

Trường hợp của gia đình bà Hoa chỉ là ví dụ điển hình của tình trạngngộ độc do sử dụng món ăn lạ may mắn thoát chết. Theo thống kê của Phòng Giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) vài năm gần đây, toàn quốc đã ghi nhận nhiều vụ ngộ độc do ăn món ăn “độc” được chế biến từ các loại côn trùng, ấu trùng.

Điển hình là vụ ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm tại huyện Hàm Tân (Bình Thuận) làm 15 người bị ngộ độc phải nhập viện và tại huyện Bình Long (Bình Phước) làm 3 người phải đi cấp cứu và 1 người tử vong năm 2014. Đặc biệt, vụ ngộ độc với 38 người mắc ở huyện Than Uyên (Lai Châu) phải nhập viện, trong đó 1 người tử vong đã khiến nhiều người thực sự lo lắng. Nguyên nhân là những người này ăn món bọ xít đen chiên mỡ.

Có thể nhận thấy, món ăn “độc, lạ” muôn màu muôn vẻ trong đời sống như ốc sên, ve sầu, bọ...  có sức hút và gây tò mò lớn đối với nhiều người. Trao đổi với PV, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bất kể là thịt con vật nào, nếu làm không sạch đều có nguy cơ gây bệnh cho con người. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm của gia đình nhà bà Hoa là do thịt chuột để bị ôi thiu hay nhiễm trùng. Riêng món măng xào thịt chuột, theo ThS. BS Nguyễn Trung Cấp là một món ăn lạ và chưa từng nghe thấy bao giờ. Mọi người nên thận trọng khi ăn những món “độc, lạ” vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, mắc bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong rất cao.

Hiện côn trùng cũng được xem là món ăn đặc sản của nhiều địa phương. Tuy nhiên, đa phần người dân chế biến các loại côn trùng chỉ dựa vào kinh nghiệm sẽ không loại bỏ hết độc tố. Việc thiếu hiểu biết trong lựa chọn, sơ chế, chế biến những thực phẩm lạ làm thức ăn, nhất là lại ăn tái, ăn sống, chế biến không kỹ này đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguy hiểm khi chế biến sai cách

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, thực ra thịt chuột không có nguy cơ gì. Nếu có là do chế biến không đảm bảo vệ sinh hoặc bị lây nhiễm các bệnh do chuột truyền sang lúc săn bắt, làm thịt chuột hoặc bị chuột cắn. Ăn thịt chuột nấu chưa chín có thể bị các bệnh giun sán khác như giun xoắn. Nhất là với chuột cống - loại hay chui trong cống rãnh, ăn rất nhiều vi khuẩn và các chất độc hại.

Nguy hiểm hơn là có thể tử vong nếu ăn phải thịt chuột dính bả. Khi dính bả sẽ có lượng chất độc vào máu của chúng. Tuy thịt chuột đã chế biến nhưng không loại trừ được hết các chất này. Nhất là loại thuốc đánh có lượng độc chất cao.

Bệnh dịch hạch là bệnh ở chuột có thể lây truyền sang người qua tiếp xúc trực tiếp (săn bắt, giết mổ) hoặc bọ chét hút máu chuột bệnh sau đó hút máu người, truyền bệnh cho người. Chuột là vật chủ mang bệnh Leptospira, có thể truyền sang người qua nước tiểu, tiếp xúc. Chuột cắn có thể gây bệnh Sodoku, người bệnh bị sưng nề vết cắn, nổi hạch và sốt kéo dài một vài tuần. Hạch có thể sưng to, rò mủ. Ngoài ra còn một số bệnh khác có thể truyền từ chuột sang người như Hantavirus.

Bệnh viện đã từng điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh Sodoku do xoắn khuẩn Spirillum từ thịt chuột. Bệnh thường gây đau đầu, ảo giác, mê sảng, hôn mê. Nếu để kéo dài dễ biến chứng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Với các món ăn từ côn trùng, theo GS.TS Bùi Công Hiển (ĐHKHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng tiềm ẩn nguy cơ bệnh rất cao. Côn trùng là nguồn dược liệu và thực phẩm bổ dưỡng quý giá. Nhiều kết quả chỉ ra, côn trùng có hàm lượng đạm cao; giàu canxi và vi khoáng. Tuy nhiên, không ít trường hợp ăn xong bị ngứa, dị ứng, thậm chí là ngộ độc. Nguyên nhân do côn trùng có chứa một số chất gây dị ứng. Hơn nữa, nhiều loại côn trùng có chứa các loại nấm độc, giun tròn, bọ chét, rận, ve… Khi sử dụng làm thức ăn, nếu không xử lý sạch sẽ có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong.

Để an toàn sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; tuyệt đối không ăn thực phẩm “độc” như thịt chuột, ốc sên, côn trùng… tái, sống với bất kỳ lý do gì. Càng không nên “thử” các loại ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Ðặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.

Ngoài ra, có nhiều loại thực phẩm chứa độc tố khi kết hợp chung với các thực phẩm khác có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Vì vậy, mọi người cần thận trọng khi chế biến  món ăn để đảm bảo sức khỏe và tránh ngộ độc. Tốt nhất không nên kết hợp thực phẩm lạ với nhau. Những trường hợp bệnh nhân có cơ địa dị ứng sẽ phản ứng với những thức ăn lạ mà dẫn tới dị ứng hay ngộ độc.

Khi ăn các món ăn độc, lạ nếu bị ngộ độc nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Các biểu hiện thường gặp như: Buồn nôn, nôn, chóng mặt, co giật tay chân, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, mẩn ngứa… Tùy theo độc tố thực phẩm và lượng ăn cũng như cơ địa từng người mà có biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nặng hay nhẹ. Thường người già, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... bị nặng hơn.

Xử lý nhanh ngộ độc thực phẩm

Khi bị ngộ độc nếu còn tỉnh táo, cần tự gây nôn, có thể uống nước để tự gây nôn. Trường hợp nặng hơn hoặc hôn mê cần để bệnh nhân nằm nghiêng sang bên phải, hô hấp nhân tạo đối với những trường hợp khó thở và thở yếu tùy theo các biểu hiện bệnh nhân có. Có thể cho người bệnh uống than hoạt tính hoặc đậu xanh giã nát hay nước ngô non để hấp thụ chất độc trong cơ thể người bệnh. Sau đó nhanh chóng chuyển người bệnh tới bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

(Nguồn: Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN