Dè chừng virus cúm gia cầm mới

Nhóm virus H5N1 trên gia cầm mới xuất hiện từ tháng 7 và 8-2012, lây lan rất nhanh từ phía Bắc đến khu vực miền Trung

Ngày 5-9, PGS-TS Tô Long Thành, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương - Cục Thú y (gọi tắt là trung tâm), cho biết một loại virus H5N1 trên gia cầm vừa mới xuất hiện và các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT đang tiến hành phân tích làm rõ sự nguy hiểm của chủng virus mới này.

Nguy cơ gây chết người

TS Tô Long Thành cho biết theo xác định của trung tâm, nhóm virus H5N1 mới xuất hiện từ tháng 7 và 8-2012 lây lan rất nhanh và rộng suốt từ phía Bắc đến khu vực miền Trung. Mặc dù loại virus mới thuộc nhánh 2.3.2.1 từng có tại Việt Nam nhưng có sự khác biệt với những virus 2.3.2.1 (cả nhóm A, B) gây ra dịch vào năm 2011. “Nhóm virus này có nguy cơ khiến dịch cúm ở gia cầm tiếp tục lan rộng và đặc biệt gần tương đồng với nhóm A nhưng độc lực cao hơn nhiều.

Dè chừng virus cúm gia cầm mới - 1

Sử dụng gia cầm chưa qua kiểm dịch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Ảnh: NGỌC DUNG

Hiện trung tâm đang tiến hành phân tích làm rõ tính nguy hại của virus và kiểm tra tính bảo hộ của vắc - xin với nhánh virus mới” - ông Long nói. Theo Cục Thú y, hiện cả nước còn 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm với số gia cầm chết, tiêu hủy lên đến hơn 180.000 con. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi, lo ngại: “Nhánh virus mới có thể từ nguồn gà loại thải Trung Quốc, nhất là gà giống nhập lậu vào Việt Nam trong thời gian qua”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng lo lắng: Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực miền Bắc trở vào miền Trung. Cách đây 2 tháng, có một loại virus mới (nhóm C) xuất hiện ở Trung Quốc, gây ra dịch cúm gia cầm với khả năng gây chết người rất cao. Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu gà giống từ Trung Quốc. “Virus cúm gia cầm H5N1 mới đang lan nhanh và nguy cơ gây chết người là rất lớn nên Chính phủ rất lo ngại và chỉ đạo sát sao việc này” - ông Tần nhấn mạnh.

Lo thiếu vắc-xin

Theo ông Hoàng Văn Năm, quyền Cục trưởng Cục Thú y, điều khó khăn trong phòng, chống dịch là số vắc-xin dự trữ được thực hiện từ tháng 10-2011 đến nay đã sử dụng hết. Vì vậy, việc cấp thiết là phải khẩn trương tiến hành dự trữ vắc-xin với số lượng tối thiểu là 1 triệu liều (khoảng 33 tỉ đồng).
 
Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cơ chế dự trữ vắc-xin nên thực hiện thành các đề án để có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm thuận tiện về thủ tục thanh toán. Còn đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng việc mua, dự trữ vắc-xin cần theo hướng để các địa phương tự chủ động về nguồn ngân sách.

Trước trở ngại phụ thuộc vào nguồn vắc-xin nhập ngoại, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng việc thành lập đề án dự trữ vắc-xin xem ra không khả thi vì Việt Nam chưa chủ động được việc sản xuất. Để ngăn ngừa dịch lan rộng, chủ trương của Bộ NN-PTNT đưa ra là các địa phương cần ưu tiên dùng vắc-xin do trong nước sản xuất để chủ động trong phòng chống dịch. Trên thực tế, vắc-xin tiêm phòng, nhất là phòng bệnh cho heo như dịch tai xanh, lở mồm long móng phải nhập khẩu rất đắt tiền, dẫn đến không thể hỗ trợ tiêm phòng cho toàn bộ đàn heo.

Chủng virus mới chưa lây sang người

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ năm 2003 đến giữa tháng 3-2012, cả nước đã ghi nhận 123 ca nhiễm cúm A/H5N1, 61 trường hợp tử vong.

Hiện các nghiên cứu, phân tích giải mã gien mới nhất chưa phát hiện có sự thay đổi đột biến ở chủng virus cúm A/H5N1 gây bệnh ở người. Tuy vậy, qua điều tra dịch tễ, các trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 trên người được ghi nhận đồng thời với thời điểm có dịch cúm trên gia cầm, do vậy Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

N.Dung

Miền Trung: Nguy cơ bùng phát dịch

Ông Lê Thanh Quang, Phó Giám đốc Cục Thú y vùng 4, cho biết dịch cúm gia cầm bùng phát tại 2 tỉnh Quảng Ngãi và Hà Tĩnh vào tháng 7 và 8 vừa qua đang lan nhanh tới tỉnh Quảng Nam và đe dọa TP Đà Nẵng. Đặc biệt, đây là thời điểm chuyển mùa, là điều kiện để dịch cúm hoành hành.

Theo ông Quang, tại Quảng Ngãi dịch lan rộng trên khắp địa bàn các huyện Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn và TP Quảng Ngãi. Đến nay đã có gần 80.000 con gia cầm mắc virus cúm type A/H5N1 được đem tiêu hủy. Cục Thú y đã hỗ trợ 1 triệu liều vắc - xin cho tỉnh Quảng Ngãi nhưng do đàn gia cầm ở địa phương này hiện tại đã xấp xỉ 4 triệu con nên không thấm tháp vào đâu.
 
Cuối tháng 8, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam cũng đã tiêu hủy khẩn cấp hơn 4.600 con gà nhiễm cúm A/H5N1. Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên xuất hiện và bùng phát từ ngày 23-7 trên địa bàn xã Cẩm Quan, Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên) và xã Thạch Tân (huyện Thạch Hà). Đến nay lại có thêm 2 xã mới là Thạch Hương, Thạch Lâm (huyện Thạch Hà) xuất hiện dịch, nâng tổng số gia cầm bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy lên tới hơn 4.000 con.

Đàn gia cầm tại TP Đà Nẵng tuy đã được tiêm phòng nhưng những hộ mới tái đàn thì không thể kiểm soát hết. Nguy hiểm hơn, gia cầm, gia súc, các sản phẩm đông lạnh được nhập vào Đà Nẵng bằng nhiều đường khác nhau nên khó kiểm tra hết những sản phẩm kém chất lượng, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch.

N.Diệp

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BẢO TRÂN (Người lao động)
Bùng phát cúm gia cầm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN