Dậy thì sớm ở bé gái dễ dẫn đến nguy cơ ung thư

Sự kiện: Sống khỏe

Nhiều bé gái đang có xu hướng dậy thì sớm. Các chuyên gia nhận định điều này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của các em. Cụ thể, trẻ dễ rơi vào trầm cảm, lo lắng và có nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Theo Daily Mail, nguyên nhân của dậy thì sớm là do chế độ ăn uống thiếu kiểm soát, tổn thương thời thơ ấu và mất cân bằng một số hóc-môn.

TS Paula Newton, chuyên gia nội tiết học tại ĐH Maryland (Mỹ), cho biết tế bào mỡ làm tăng hóc-môn gây ra bệnh béo phì, tạo nên những hợp chất thúc đẩy quá trình dậy thì sớm. Khi những hợp chất này đi vào mạch máu sẽ tích tụ tại buồng trứng và tạo ra estrogen, làm ngực phát triển sớm. Điều này lý giải vì sao tỉ lệ dậy thì sớm tăng nhanh trong thời gian bùng phát dịch Covid-19.

Tháng 4 năm nay, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nhi khoa của Ý đã chỉ ra tỉ lệ dậy thì sớm giai đoạn 2020-2021 tăng 2,5 lần so với những năm trước đó. Hội chứng tiền tiểu đường và tiểu đường type 2 ở trẻ cũng gia tăng trong thời điểm dịch Covid-19.

Một vấn đề đáng lưu ý khác là dậy thì sớm cũng dẫn đến nguy cơ ung thư vú hoặc ung thư tử cung sau này ở bé gái. Dù chưa tìm ra cơ chế liên kết chính xác giữa 2 vấn đề này song TS Frank Biro, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về dịch tễ học, tin rằng nguyên nhân gây ra ung thư liên quan đến một loại hóc-môn có tên là yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF 1).

Bé gái có tỉ lệ IGF 1 cao dễ dậy thì sớm. Hóc-môn này vẫn duy trì ở mức độ cao trong suốt cuộc đời, dẫn đến việc estrogen tăng, làm ngực phát triển lớn hơn và niêm mạc tử cung dày hơn người khác.

TS Biro lý giải: "Khi một tế bào phát triển sẽ đi liền với nguy cơ xuất hiện bản sao xấu của chính tế bào đó. Việc dậy thì sớm bản thân nó không gây ra ung thư nhưng sẽ dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn".

Để tránh tình trạng dậy thì sớm, phụ huynh cần thay đổi chế độ ăn uống của con, tránh những thực phẩm giàu chất béo, thức ăn vặt, thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành như sữa, đậu hũ và thịt.

Nếu trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa, chuyên gia nội tiết học nhi khoa để được tư vấn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần đồng hành với con trong việc hạn chế các tác nhân gây căng thẳng, giúp con ổn định sức khỏe tinh thần.

Các chuyên gia khuyến cáo trẻ dậy thì sớm thường có tâm lý hoang mang, lo lắng, dễ mất ngủ dẫn đến trầm cảm, có suy nghĩ tiêu cực, có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân mình và dễ bị bạn bè bắt nạt. Để tránh những nguy cơ này, phụ huynh phải theo sát trẻ, bảo đảm những hoạt động ở trường, ở nhà, bạn bè trong tầm kiểm soát. Phụ huynh phải tạo niềm tin với trẻ, cho phép trẻ có không gian và giới hạn riêng.

Nguồn: [Link nguồn]

Con dậy thì sớm, mẹ loay hoay tìm lý do, bác sĩ chỉ rõ ”tổ hợp” các nguyên nhân hại đơn hại kép

Việc dậy thì sớm ở trẻ sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lối sống, sinh hoạt, ăn uống… tất cả những điều đó đều cộng hưởng, có liên quan với nhau và không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN