Đau mắt đỏ dùng rau răm xông, nhỏ được không?
Đau mắt đỏ hiện đang lan rộng ra nhiều địa phương, vì thế mà người ta 'sáng tạo' ra nhiều kiểu tự chữa bệnh kinh dị. Mấy ngày trước đây là dùng nước tiểu nhỏ mắt. Mới đây nhiều người lại hỏi đau mắt đỏ dùng rau răm xông, nhỏ mắt có khỏi không?
Rau răm, tên gọi khác là Thủy liễu – Thủy lục, tên khoa học: Persicaria odorata. Bộ: Caryophyllales. Họ: Polygonaceae – Họ thân đốt
Rau răm thuộc loại cây thân thảo và có đốt. Trong điều kiện khí hậu thuận lợi, loài cây này có thể cao từ 15-30cm. Mặt trên của lá có màu lục sẫm và mặt dưới có màu hung đỏ. Hoa của loại rau này có màu tím nhạt và mọc thành chùm dài. Cây thích hợp trong môi trường nóng ẩm và ít nước. Quá lạnh hoặc quá nóng đều kiến cây bị lụi tàn. Cây ưa sáng và thích sống ở vùng đất thoát nước tốt.
- Thành phần hóa học: Các nhà khoa học đã tìm thấy trong tinh dầu của rau răm các thành phần như: dodecanal (44%), các aldehyd chuỗi dài như decanal (28%), decanol (11%) và các sesquiterpene (15%). Các sesquiterpene gồm α-humulene và β-caryophyllene.
Tính vị: Rau răm có tính nóng và có tinh dầu. Vị hơi đắng và cay. Mùi hơi hắc.
Tác dụng: Trong Đông y, rau răm được biết đến với công dụng trừ phong hàn, hoạt huyết, tiêu độc, kích thích tiêu hóa (giúp ăn cơm ngon hơn) và chống viêm hạ khí. Bên cạnh đó, loại rau này có tác dụng chữa sốt, chữa rắn cắn và giảm ham muốn tình dục.
- Bộ phận dùng: Chủ yếu là lá và cây. Hoa cũng được sử dụng nhưng ít.
Cách dùng và liều dùng: Loại rau này có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong Đông y. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Nó có thể được giã nhuyễn và vắt lấy nước uống hoặc đắp trực tiếp lên vết thương. Ngoài ra, loại rau này còn được nấu nấu nước uống khi còn tươi hoặc phơi khô. Mỗi ngày dùng từ 20-30 gram. Rau răm không có độc tính.
Chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định rau rau chữa đau mắt đỏ, ngược lại theo nguyên lý y học cổ truyền rau răm không phù hợp cho người đau mắt đỏ.
Về thông tin rau răm chữa đau mắt đỏ hiện chưa có tài liệu nghiên cứu nào cho thấy rau răm có thể giúp chữa đau mắt đỏ. Ngoài ra, theo lý luận y học cổ truyền, bệnh đau mắt đỏ thuộc phạm vi nhiệt. Tính vị của rau răm cay nồng ấm như đã kể trên thì không phù hợp sử dụng trong đau mắt đỏ.
Mắt là cơ quan quan trọng trong cơ thể. Mắt rất nhạy cảm với những tác động từ bên ngoài. Các thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ nói riêng và thuốc điều trị cho vùng mắt nói chung bắt buộc phải đạt chuẩn tinh khiết, sạch theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.
Do đó, việc dùng các phương pháp dân gian như đắp, xông rửa mắt không được khuyến cáo tự ý sử dụng tại nhà. Kiểm soát dịch đòi hỏi kiểm soát chuyên môn, tự ý dùng thuốc sẽ rất ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng. Hãy tin thầy thuốc - không tin lời đồn.
Một số bài thuốc với rau răm
- Chữa đầy bụng: rau dùng ở dạng tươi. Sau khi được rửa sạch, rau được giã nhỏ và vắt lấy nước uống. Phần bã rau đắp lên bụng, kết hợp với massage nhẹ nhàng.
- Chữa cảm cúm: Dùng kết hợp với gừng. Tỷ lệ là 1 nắm rau và 3 lát gừng. Hai thứ này mang đi giã nhuyễn và vắt lấy nước uống. Một vài người dùng loại rau này kết hợp với các vị thuốc Đông y để sắc uống với tỷ lệ là: rau răm 20g, tía tô 20g, xương bồ 16g, kinh giới 16g, kiện 10g và bạch chỉ 10g.
- Chữa tiêu chảy do nhiễm lạnh: dùng 16g rau ở dạng khô, kết hợp với các vị thuốc như: kinh giới 16g, lương khương 12g, bạch truật 12g, quế 10g và gừng nướng 4g. Nấu các vị thuốc này trong 2 bát nước cho đến khi sắc lại thành 1 bát. Mỗi ngày uống 2 lần.
- Chữa nước ăn tay chân: Nước cốt rau răm tươi còn được dùng để chữa nước ăn tay chân. Lưu ý là sau khi thoa cần giữ cho vết thương khô ráo.
- Chữa mụn nhọt ở giai đoạn đầu: rau còn tươi đem giã nhỏ với vài hạt muối sau đó đắp vào mụn nhọt để giảm cảm giác sưng nóng do mụn gây ra. Ngoài ra, cách làm này còn có tác dụng chống viêm, tiêu độc và hoạt huyết.
Một số lưu ý khi dùng rau răm
Mặc dù rau răm không có độc tính. Tuy nhiên, dùng với liều lượng quá nhiều có thể gây hại cho sức khỏe. Tính vị của loại rau này là nóng. Dùng nhiều sẽ gây thương tổn đến tụy và giảm tinh khí. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của cả nam và nữ.
Thêm vào đó, phụ nữ dùng quá nhiều có thể mất kinh nguyệt. Nếu đang trong chu kỳ thì dễ bị rong kinh. Ngoài ra, người có máu nóng, thể trạng ốm yếu cũng được các bác sĩ khuyên là không nên ăn nhiều rau răm. Đối với phụ nữ có thai, ăn quá nhiều rau răm có thể gây sảy thai.
Trường hợp người đàn ông 50 tuổi ở Gia Lai tử vong vì sốc phản vệ bởi tự dùng thuốc trị đau mắt khiến nhiều người lo lắng, nhất là trong tình hình dịch đau mắt đỏ...
Nguồn: [Link nguồn]