Dấu hiệu phát hiện sớm trẻ vị thành niên mang thai
Cơ thể của trẻ vị thành niên mang thai chưa có sự phát triển hoàn chỉnh vì thế khá khó để nhận biết chính xác việc mang thai trong những tuần đầu.
Hiện nay trẻ vị thành niên (VTN) sinh con có xu hướng ngày càng tăng. Đây là vấn nạn đang được xã hội quan tâm, bởi hậu quả của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.
Các yếu tố dẫn đến mang thai ở tuổi vị thành niên
Theo TS.BS Đỗ Minh Loan- Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương, ở độ tuổi vị thành niên, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục. Cùng với sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai; Quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn; Quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử trước hôn nhân. Đồng thời, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS), chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… Dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.
TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên tư vấn cho phụ huynh có con trong độ tuổivị thành niên.
Dấu hiệu phát hiện sớm trẻ vị thành niên mang thai
Cơ thể của trẻ vị thành niên mang thai chưa có sự phát triển hoàn chỉnh vì thế khá khó để nhận biết chính xác việc mang thai trong những tuần đầu. Tuy nhiên, ở giai đoạn này cơ thể của trẻ vị thành niên mang thai vẫn có một số dấu hiệu mang thai sớm để nhận biết.
Cụ thể:
- Trẻ chậm kinh hoặc mất kinh.
- Buồn nôn và nôn.
- Thay đổi ở ngực: vú căng và nổi tĩnh mạch quanh quầng vú
- Tiết sữa non từ tuần thứ 16 của thai kì
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao
- Thay đổi về da: Nám da, sẫm màu ở núm vú.
- Chảy máu âm đạo trong 3 tháng đầu của thai kì có thể nhầm lẫn với ra máu kinh nguyệt bình thường.
Nguy cơ khi tiếp tục giữ thai và sinh đẻ
Tiến sĩ Loan cho hay, mang thai ở tuổi vị thành niên trẻ dễ gặp những nguy cơ như:
Mang thai ở tuổi vị thành niên có nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu. Trong lúc sinh: đẻ khó, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.
Tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ tuổi vị thành niên trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.
Về mặt kinh tế – xã hội, khi có thai ở tuổi vị thành niên phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm, dẫn trẻ vị thành niên vào con đường bế tắc. Hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt, dễ lâm vào cảnh éo le, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ vị thành niên. Tỷ lệ ly dị cao, dễ bị phân biệt đối xử. Làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý.
Do mặc cảm, xấu hổ nên trẻ vị thành niên thường tìm kiếm dịch vụ phá thai không an toàn.
Trẻ vị thành niên thường không biết các dấu hiệu để nhận biết thai nghén, nên không tìm đến cơ sở y tế sớm dẫn đến phá thai to. Do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, tâm lý lại lo sợ nên thủ thuật phá thai ở vị thành niên thường xảy ra nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành. Những ảnh hưởng tâm lý sau phá thai ở tuổi vị thành niên có thể rất nặng nề và kéo dài.
Làm thế nào để giúp trẻ tránh mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên?
Vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm. Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn tránh được những sai lầm không đáng có.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.
Theo các chuyên gia vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ vô sinh thứ phát sau nạo phá thai ngày càng gia tăng, đặc biệt ở đối tượng phụ nữ trẻ tuổi.
Nguồn: [Link nguồn]