Dấu hiệu nhận biết cúm A, phân biệt COVID-19, cúm A và cảm lạnh
Dịch COVID-19 đang diễn ra trùng với thời điểm bùng phát các bệnh giao mùa như cúm A, cúm B, cảm lạnh. Do đó, mọi người cần biết các dấu hiệu của bệnh cúm A, COVID-19 hay cảm lạnh.
Bộ Y tế cảnh báo, thời tiết giao mùa đông – xuân với đặc điểm độ ẩm cao, nhiệt độ thuận lợi là thời kỳ các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển và tấn công trẻ. Đây cũng là giai đoạn bệnh cúm A “vào mùa”. Do đó, mọi người cần biết dấu hiệu của cúm A.
Hầu hết các trường hợp cúm mùa phải nhập viện là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trường Khoa Nhi, BV Bạch Mai đưa ra các dấu hiệu nhận biết cúm A ở trẻ:
- Ít khi gây sốt. Trương trường hợp gây sốt thì sốt không cao, kéo dài 1-2 ngày.
- Bên cạnh đó, cúm A thường gây nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, kéo dài 1-2 ngày.
- Đặc biệt, cúm A thường gây khó chịu ở ngực, ho ở mức độ nhẹ, trung bình và ho khan.
- Hầu hết các trường hợp cúm mùa phải nhập viện là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ có cơ địa đặc biệt, sốt cao không hạ, co giật. Một số có bệnh lý kèm theo như viêm phổi, viêm phế quản, bệnh tim mạch bẩm sinh, suy giảm miễn dịch...
- Đa phần cúm là ở thể nhẹ, chiếm khoảng 80-90%. Vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng khi con có biểu hiện cúm.
Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý 4 dấu hiệu bệnh cúm A trở nặng dưới đây để đưa con đi bệnh viện kịp thời:
- Sốt cao liên tục từ 39ºC trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Co giật.
- Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh.
- Trẻ khó thở, thở nhanh.
Với những trường hợp còn lại chỉ cần điều trị triệu chứng vào theo dõi.
Dấu hiệu nhận biết bệnh do virus COVID-19, cúm A và cảm lạnh
Bộ Y tế cho biết, bệnh do virus COVID-19, cúm A và cảm lạnh đều có biểu hiện chung của sốt và các dấu hiệu của viêm đường hô hấp như ho, sổ mũi. Tuy nhiên, dựa vào yếu tố dịch tễ và diễn tiến của bệnh các bác sĩ sẽ có căn cứ để phân biệt ba bệnh này.
Thông thường cảm lạnh chỉ gây ra các biểu hiện nhẹ và sẽ hết trong vòng 5-7 ngày. Còn đối với bệnh do COVID-19 và cúm A có thể nhẹ nhưng một số trường hợp sẽ dẫn đến biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm xoang, sốc, suy đa tạng do virus cúm hoặc do bội nhiễm.
Do đó, với ca bệnh nghi nhiễm COVID-19 hoặc cúm A, cần phải đi khám ngay và thực hiện cách ly đúng quy định. Nếu có các dấu hiệu mệt nhiều, đau ngực, khó thở hoặc bất kỳ dấu hiệu nặng nào khác đi kèm, cần tái khám ngay.
Trong thời gian bị bệnh, bao gồm cả cảm lạnh, bệnh nhân cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước, ăn trái cây và rau cải có chứa nhiều vitamin A, C, D, E.
Ngoài việc hạ sốt kịp thời khi sốt trên 38,5 độ C, người bệnh không được tự ý sử dụng các thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ như aspirin và corticoid.
Bên cạnh đó, cần phải tiến hành sát khuẩn và vệ sinh khu vực có người bệnh để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
Cách phòng ngừa các bệnh cảm cúm
Để tránh bị các loại virus cảm cúm tấn công, bao gồm cả virus COVID-19, các gia đình cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn chín, uống sôi, không ăn động vật hoang dã, ăn nhiều trái cây tươi. Tiến hành luyện tập thể dục, vận động cơ thể phù hợp để tăng cường thể lực và bảo vệ sức khỏe.
Thực hiện vệ sinh nhà cửa, sát khuẩn các bề mặt bàn ghế, sàn nhà, tay nắm cửa, thành cầu thang, mở cửa sổ mỗi ngày để ánh nắng vào nhà. Rửa tay thường xuyên đúng các bước quy định. Khi ho phải dùng khủy tay hoặc khăn giấy để che và bỏ khăn vào thùng rác sau khi sử dụng. Không dùng tay để chùi lên mặt khi chưa rửa tay. Đeo khẩu trang khi có khuyến cáo hoặc lúc cần thiết.
Ngoài ra, cần lưu ý tiêm phòng ngừa đầy đủ theo lịch để tăng sức đề kháng, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Nguồn: [Link nguồn]
Vi rút cúm A(H1N1) có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí. Việc...