Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư mà đàn ông có tỷ lệ mắc gấp 4 lần phụ nữ
Ung thư thực quản không phải là bệnh hiếm gặp, tỉ lệ gặp ở nam giới cao gấp 3-4 lần nữ giới.
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh vừa tiếp nhận trường hợp của người bệnh Đ. H. C. sinh năm 1961, địa chỉ tại Thủy Nguyên – Hải Phòng. Khoảng 3-4 tháng nay người bệnh thường xuyên có cảm giác đau rát họng, nuốt khó, gầy sút cân. Nghĩ mình bị viêm họng nên người bệnh đã tự mua thuốc về uống, nhưng thấy không cải thiện.
Bệnh nhân đến khám tại khoa Khám bệnh - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh.
(Ảnh minh họa).
Qua thăm khám, bác sĩ chỉ định cho người bệnh nội soi thực quản dạ dày tá tràng. Trong quá trình nội soi, bác sĩ phát hiện ở đoạn thực quản 1/3 trên của người bệnh có khối u sùi lớn, che lấp gần hết chu vi thực quản, nhiều tổ chức hoại tử dễ chảy máu, có kèm bã thức ăn ở phía trên u.
Bác sĩ lấy bệnh phẩm u thực quản gửi giải phẫu bệnh. Kết quả là Ung thư biểu mô vảy không sừng hóa, xâm nhập. Người bệnh được chỉ định nhập viện để điều trị.
Theo bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương, Khoa Nội Tiêu Hóa, ung thư thực quản không phải là bệnh hiếm gặp, tỉ lệ gặp ở nam giới cao gấp 3-4 lần nữ giới.
Bệnh ở giai đoạn sớm có thể không gây ra triệu chứng bất thường, mà chỉ tình cờ phát hiện qua nội soi. Tuy nhiên, giai đoạn muộn có thể có các biểu hiện như: nuốt nghẹn, nuốt vướng, nôn máu, tăng tiết nước bọt, gầy sút cân, nổi hạch cổ… như tình trạng của người bệnh C. có biểu hiện dễ nhầm lẫn với viêm họng là do khối u thực quản ở ngay đoạn 1/3 trên, dễ gây ứ đọng thức ăn và nước bọt.
Theo các bác sĩ, ở giai đoạn đầu, triệu chứng báo hiệu thường không đặc hiệu:
- Bệnh nhân có thể có cảm giác thức ăn dính, khó nuốt, nhưng vẫn nuốt được nếu nhai kỹ.
- Một số bệnh nhân có cảm giác nóng rát, khó chịu sau xương ức.
Ở giai đoạn tiến triển tại chỗ:
- Nghẹn thức ăn đặc tăng dần gây ra do khối u bít tắc lòng thực quản.
- Sút cân liên quan tới nuốt nghẹn, tới thay đổi chế độ ăn và sự phát triển của khối u.
- Trào ngược nước bọt hoặc thức ăn: gặp ở một số bệnh nhân giai đoạn tiến triển.
- Có thể gặp viêm phổi do trào ngược.
- Khàn tiếng nếu dây thần kinh thanh quản quặt ngược bị u xâm lấn.
- Thiếu máu, thiếu sắt do mất máu mạn tính từ khối u là dấu hiệu rất thường gặp.
- Ít khi có biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài phân đen, hay trào ngược ra dịch có máu. Xuất huyết tiêu hóa ồ ạt xảy ra khi u ăn mòn động mạch chủ, phổi hay động mạch phế quản.
- Dò khí quản là biến chứng muộn của bệnh, xảy ra khi ung thư xâm lấn trực tiếp từ lòng thực quản vào lòng khí quản (đường thở, nằm ngay phía trước thực quản trong lồng ngực). Bệnh nhân ho không kiểm soát được và thường xuyên viêm phổi. Thời gian sống thêm của những bệnh nhân này là dưới 4 tuần.
Qua đây các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân, cần thường xuyên tiến hành thăm khám sức khỏe định kì ít nhất 6 tháng/lần. Không nên đợi đến khi có triệu chứng bệnh mới đi khám. Khi có biểu hiện bất thường, cần kiểm tra sức khỏe ngay, để tránh những biến chứng muộn của bệnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng lắng nghe Ths.BS CKII Vũ Xuân Huy, Phó Trưởng Khoa Xạ tổng hợp Tân Triều, Bệnh viện K giải đáp mắc tại sao không hút thuốc lá vẫn có thể mắc ung thư phổi.