Dấu hiệu đột quỵ trong thời tiết lạnh và cách xử lý
Đột quỵ thường xảy ra vào những thời khắc chuyển mùa hoặc sáng sớm đặc biệt là khi nhiệt độ xuống thấp hoặc thay đổi đột ngột.
Trong tiết trời lạnh của những ngày đầu năm mới, cùng với lịch trình du xuân, chúc Tết dày đặc là những bữa tiệc đoàn viên, tân niên, sum họp và các món ăn giàu chất béo hoặc nhiều đường, đồ uống có cồn, rượu, bia… đây chính là những nguyên nhân khiến tình trạng đột quỵ có nguy cơ gia tăng.
Theo BSCKII Bùi Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đột quỵ thường xảy ra vào những thời khắc chuyển mùa; hoặc sáng sớm đặc biệt là khi nhiệt độ xuống thấp hoặc thay đổi đột ngột, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Trời lạnh khiến mạch máu co lại, làm tăng huyết áp, lạnh cũng có thể làm máu cô đặc hơn, dẫn đến hình thành cục máu đông, một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ..
Uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh.
Có nhiều yếu tố thuận lợi gây ra đột quỵ trong dịp Tết như thời tiết lạnh, sự thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ, sử dụng nhiều rượu bia, thiếu ngủ, căng thẳng, ít vận động… đặc biệt ở những người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu.
Dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ:
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ đóng vai trò quan trọng trong việc người bệnh có được cấp cứu kịp thời hay không, từ đó có thể cứu sống người bệnh. Các dấu hiệu của đột quỵ bao gồm:
- Mặt méo, miệng bị lệch: Khi cười một bên mặt bị xệ xuống.
- Tay chân yếu: Một tay hoặc chân bị tê liệt, mất kiểm soát.
- Nói khó hoặc không rõ: Giọng nói bị méo, khó phát âm.
- Đau đầu dữ dội: Đột ngột đau đầu không rõ nguyên nhân.
- Chóng mặt, mất thăng bằng: Cảm giác hoa mắt, không thể đứng vững.
Cách xử lý:
Theo BSCKII Bùi Thị Thu Hà, đột quỵ có thể khiến người bệnh mất thăng bằng hoặc bất tỉnh, có thể té ngã. Nếu bạn nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh đang bị đột quỵ, hãy làm theo các bước sau:
Bước 1: Gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp
Nếu bạn đang có các triệu chứng của đột quỵ, hãy nhờ người khác gọi giúp và giữ bình tĩnh nhất có thể trong khi chờ đợi sự trợ giúp khẩn cấp.
Nếu bạn đang chăm sóc người bị đột quỵ, hãy đảm bảo rằng người bệnh đang ở một vị trí an toàn, mặc quần áo thoáng, không gian thoải mái. Nếu bệnh nhân không tỉnh, nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng một bên, đầu hơi nâng lên và đề phòng trường hợp bị nôn, sặc vào đường thở.
Bước 2: Sơ cứu đột quỵ trong lúc chờ cấp cứu
- Kiểm tra nhịp thở của người bệnh. Nếu không thấy nhịp thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo.
- Nếu người bệnh cảm thấy khó thở, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, thắt lưng… để người bệnh dễ thở hơn.
- Nếu người bệnh ngừng tim, thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh.
- Tháo răng giả cho người bệnh (nếu có) tránh bị hóc, sặc. Tuyệt đối không đưa bất cứ gì vật gì vào miệng người bệnh.
- Bình tĩnh khuyên nhủ và trấn an người bệnh.
- Đắp chăn giữ ấm cơ thể người bệnh.
- Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân, cần nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển người bệnh.
- Quan sát để nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở người bệnh.
Bước 3: Cung cấp thông tin về tình trạng của người bệnh
Ghi nhớ nguyên nhân, biểu hiện, có hay không bị té ngã, đập đầu… của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế ngay khi được lực lượng cấp cứu hỗ trợ tiếp nhận.
Cả 2 trường hợp trên đều là những người bệnh khá trẻ, không có bệnh lý mạn tính.
Nguồn: [Link nguồn]
-03/02/2025 23:51 PM (GMT+7)