Dấu hiệu cần cảnh giác với đau ruột thừa ở trẻ, nếu đau bụng kèm dấu hiệu này cần đến viện ngay!
Viêm ruột thừa ở trẻ em thường không có các biểu hiện điển hình và khó phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Vì vậy, khi trẻ có các triệu chứng như: Đau bụng quanh rốn hoặc hố chậu phải, sốt, nôn, đại tiện lỏng, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn... cần được khám sớm.
Vừa qua, trong một ngày các bác sĩ BV Trẻ em Hải Phòng đã tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị viêm phúc mạc ổ bụng do viêm ruột thừa vỡ.
Điều tra bệnh sử, cả 2 bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng đau bụng liên tục, sốt, nôn từ 2 đến 3 ngày. Các bệnh nhi đã được đưa đi khám tại cơ sở y tế khác nhưng chưa phát hiện ra bệnh kịp thời nên gia đình có nguyện vọng chuyển đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Ảnh minh họa
Sau khi được thăm khám và làm xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phúc mạc do viêm ruột thừa vỡ. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu nội soi cắt ruột thừa viêm, rửa sạch ổ bụng, đặt dẫn lưu ổ bụng. Do đến muộn nên tình trạng ổ bụng bẩn, các quai ruột dính nhiều khiến quá trình phẫu thuật rất khó khăn, mất nhiều thời gian.
Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh cũng diễn biến phức tạp, bệnh nhi nôn nhiều, chướng bụng, thời gian ăn uống trở lại và có lưu thông tiêu hóa lâu. Hiện tại, các bệnh nhi đã tạm ổn định, tuy nhiên do nhập viện muộn nên việc điều trị tiên lượng sẽ kéo dài, tốn kém trong chi phí điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập của bệnh nhi và công việc của gia đình.
Dấu hiệu viêm ruột thừa ở trẻ em
Viêm ruột thừa ở trẻ em thường xảy ra ở khoảng lứa tuổi từ 10-19 tuổi, nguyên nhân chủ yếu do ruột thừa bị tắc nghẽn hoặc do các nhiễm trùng khác trong ổ bụng lây nhiễm vào ruột thừa. Tuy nhiên viêm ruột thừa vẫn có thể xảy ra ở những trẻ từ 2-5 tuổi.
Viêm ruột thừa ở trẻ em thường không có các biểu hiện điển hình và khó phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Bệnh lại tiến triển rất nhanh, dễ vỡ mủ thành viêm phúc mạc toàn bộ. Đây là căn bệnh không thể xem nhẹ, bởi phát hiện muộn có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Đặc biệt, trẻ chưa biết diễn đạt rõ ràng nên gây khó khăn cho quá trình thăm khám, chẩn đoán.
Nhiều trẻ có tâm lý sợ đi bệnh viện hoặc quá lo lắng trong thi cử nên cố chịu đau dẫn tới đến khám muộn. Nhiều bậc phụ huynh chủ quan thấy con mình đau bụng nhưng nghĩ là rối loạn tiêu hóa nên tự theo dõi hoặc mua thuốc uống ở nhà. Một số trường hợp cho con đến khám ở những cơ sở y tế không chuyên khoa nên không phát hiện ra bệnh.
Theo các bác sĩ, khi trẻ có các triệu chứng như: đau bụng quanh rốn hoặc hố chậu phải, sốt, nôn, đại tiện lỏng, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn... cần được khám sớm.
Ảnh minh họa
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ có dấu hiệu viêm ruột thừa
Nếu trẻ có những biểu hiện nghi ngờ viêm ruột thừa thì tạm thời không cho trẻ ăn uống nhiều, không tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ và đưa trẻ đến bác sĩ hay bệnh viện có chuyên khoa ngoại nhi để khám ngay và nhận được sự tư vấn cụ thể nhất.
Cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ ruột thừa
Sau khi phẫu thuật, bạn có thể thực hiện các bước sau để vết mổ mau lành, tránh nhiễm trùng:
- Tùy từng tình trạng bệnh lý của trẻ, thông thường trẻ có thể ăn uống trở laị sau mổ 6 tiếng. Đầu tiên trẻ có thể uống tí nước đường, sau đó là thức ăn mềm. Sau mổ 24 tiếng, trẻ có thể ăn uống trở lại bình thường. Nên ăn uống những thức ăn mà trẻ đã quen trước đó.
- Rửa vết mổ tại nhà nhẹ nhàng. Để vết mổ khô lại, bạn có thể để vết mổ tiếp xúc với không khí cho mau se mặt vết thương. Tránh dùng bột hoặc kem thoa lên vết mổ.
- Không tắm bồn, không tham gia các hoạt động dưới nước cho đến khi vết mổ lành hẳn.
- Mặc quần áo thoải mái, bởi việc mặc đồ bó sát có thể gây kích ứng da xung quanh vị trí vết mổ.
Ung thư ruột thừa là một bệnh ít gặp. Ở giai đoạn sớm, bệnh không có những biểu hiện rõ ràng nên rất khó phát hiện.
Nguồn: [Link nguồn]