Đau đầu chuyện mặc gì cho trẻ khi thời tiết “bốn mùa trong ngày”
“Phát rồ vì thời tiết này mất thôi! Một ngày bốn mùa, không biết mặc gì cho con nữa, đi làm mà cứ nơm nớp sợ con nóng/lạnh vì cách mình cho con mặc quần áo, lại còn viêm VA, hô hấp, viêm tai giữa sao mà cứ tái diễn mãi”, chị Hải Anh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) than vãn với đồng nghiệp.
Cần kiểm tra thường xuyên mồ hôi lưng, gáy để kịp thay áo cho trẻ. Ảnh: Chí Cường
Thời tiết như “chong chóng”
Cu Tít con trai chị Hải Anh năm nay lên 7 tuổi. Vì chỗ làm xa nhà, muốn tiện đưa đón con nên chị quyết định cho con học gần cơ quan chị. Nhưng thời gian gần đây, thời tiết nồm ẩm, lại nóng – lạnh thay đổi “chóng mặt” trong ngày khiến mỗi sáng chuẩn bị cho con đi học lại rất đau đầu khi chọn quần áo cho con.
“7h kém buổi sáng mình đi làm, đưa con đi học thì lạnh, phải mặc nhiều quần áo. Nhưng trưa về nóng, oi bức, chỉ sợ con mải chơi không nhớ lời mẹ dặn cởi bớt áo ngoài ra cho đỡ mồ hôi. Rồi chiều tối đón con đi học về, trời lại lạnh, đêm thì rét. Thời tiết như “chong chóng” thế này, đi làm mà lúc nào đầu óc cũng lo cho con”, chị Hải Anh chia sẻ.
Cũng bởi không biết cách chọn quần áo cho con mặc nên con ốm, chị Thúy Hạnh (ở Đống Đa, Hà Nội) phân trần: “Sáng đi làm, tôi sợ con lạnh nên mặc ấm cho con, “bịt” không thiếu chỗ nào. Nhưng hôm kia con đi học về lại sốt, ho, người đẫm mồ hôi, hôm sau con ho như cứa ruột, tôi bế con vào viện khám thì bác sĩ bảo con bị viêm đường hô hấp trên. Che chắn kỹ thế rồi còn ốm là sao?”.
Trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho hay: Đang là giai đoạn thời tiết giao mùa, độ ẩm không khí cao, đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, sức đề kháng giảm, tác nhân gây bệnh tăng khiến nhiều người dễ ốm. Với trẻ nhỏ do không kịp thích ứng với kiểu thời tiết biến đổi nhanh và đột ngột nên số trẻ vào khám ở bệnh viện tăng khoảng 20-30% so với trước Tết Nguyên đán. Tỷ lệ bệnh nhi nhập viện điều trị cũng tăng theo. Chủ yếu các cháu mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm phế quản, cúm mùa, các bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, chân tay miệng hay quai bị… Theo BS Nguyễn Văn Thường, dù số lượng bệnh nhi tăng lên nhưng may mắn là không có trường hợp bệnh nặng.
Còn PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Đến hẹn lại lên”, trong điều kiện thời tiết thay đổi liên tục như những ngày gần đây, tại Khoa Nhi, tỷ lệ trẻ tới khám và nhập viện tăng khoảng 15-20%...”. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, ngoài việc thời tiết thay đổi thất thường, phương pháp chăm con không đúng cách của các bậc phụ huynh cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ dễ mắc bệnh.
Những sai lầm thường gặp khi chăm trẻ
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, buổi sáng, thời tiết có sương mù, nhiệt độ thấp hơn, nhiều phụ huynh mặc tầng tầng lớp lớp quần áo cho trẻ. Tuy nhiên, khi tới lớp, trẻ vui chơi, bị nóng và ra mồ hôi nhưng không được hoặc không biết cách cởi bỏ bớt quần áo khiến mồ hôi ngấm ngược vào cơ thể, dẫn tới cảm lạnh, ho hắng. Ngoài ra, khi trời chập tối, thời tiết ấm, nhưng khoảng 2-3h sáng mới trở lạnh, nên nhiều bố mẹ thường mặc nhiều quần áo từ sớm, trước khi đi ngủ vì lo con đạp tung chăn bị lạnh. Việc làm này theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng sẽ khiến trẻ ra nhiều mồ hôi và tiếp tục ngấm vào người.
Một sai lầm khác của bố mẹ là trong thời tiết hiện nay, để bảo vệ con tránh gió, không khí lạnh lúc ngủ buổi tối, bố mẹ thường đóng kín cửa. Các bác sĩ cho rằng, chính điều này sẽ khiến cho không khí trong phòng không được lưu thông, làm giảm lượng ôxy trong não, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của trẻ. Sai lầm này còn khiến không khí bí bách, ngột ngạt, cộng với độ ẩm cao làm tăng lượng vi khuẩn sinh sôi.
Việc cho con ngồi trước xe máy buổi sáng đi học hay buổi chiều tối – thời điểm nhiệt độ đang thấp hơn mức trung bình trong ngày cũng là nguyên nhân khiến khả năng trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm amidan, viêm phế quản hay viêm phổi cao hơn. Chưa kể đến việc trẻ ngồi trước sẽ hít phải khói, bụi gây khởi phát các cơn hen phế quản, viêm mũi, đặc biệt ở những trẻ có cơ địa dị ứng và sức đề kháng kém.
Các bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa cũng lưu ý, dù thời tiết thay đổi nóng lạnh thất thường nhưng bố mẹ cũng phải cho trẻ chơi ngoài trời, tắm nắng. Bố mẹ cần lưu ý mặc quần áo đủ ấm nhưng vẫn thoáng để khi trẻ ra mồ hôi không thấy quá nóng, thường xuyên kiểm tra mồ hôi lưng, gáy để kịp thay áo cho trẻ. Khi chuẩn bị quần áo cho con đi học, cần mặc nhiều lớp áo, theo thứ tự lớp áo bằng chất cotton ở trong, vừa có tác dụng giữ nhiệt, vừa thấm mồ hôi, tiếp một lớp áo khoác hoặc len bên ngoài, để có thể cởi ngay cho trẻ khi trẻ nóng. Với trẻ chưa biết cách cởi áo ngoài khi nóng, hoặc mặc thêm áo khi lạnh, bố mẹ cũng nên nhờ cô giáo để ý tới con.
Làm gì để không mệt mỏi trong ngày thời tiết nồm, ẩm Những ngày thời tiết nồm, ẩm, không ít người luôn có cảm giác mệt mỏi, đau mình mẩy, tinh thần không hưng phấn. Theo khuyến cáo của các chuyên gia: Để phòng bệnh trong điều kiện thời tiết nồm ẩm hiện nay, các gia đình phải giữ vệ sinh môi trường sống, làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà; làm khô không gian sống bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, hong khô quần áo trước khi mặc. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, để phòng bệnh tốt cần thực hiện đúng lịch tiêm chủng.Trong nhà có người với biểu hiện hắt hơi, sổ mũi... cần hạn chế tiếp xúc với trẻ em và cần chữa trị sớm để không lây sang người khác. Mọi người nên hạn chế tiếp xúc nóng - lạnh đột ngột, hạn chế ra ngoài trời khi thời tiết ẩm ướt; không nên tắm quá lâu, không mặc quần áo ẩm. Người có các bệnh dị ứng, hô hấp cần hạn chế tiếp xúc với nấm mốc, bụi bẩn. Phòng ngủ nên có máy hút ẩm. Nếu dùng thảm trải sàn phải bảo đảm luôn khô ráo, thường xuyên hút bụi vì đó là nơi tập trung nhiều nhất con bọ mạt hay còn gọi là con bụi nhà, một trong những tác nhân chủ yếu gây bệnh dị ứng. Khi trong nhà có những tủ sách lâu năm cần luôn dọn dẹp, hút bụi vì rất nhiều người đã lên cơn hen cấp tính phải nhập viện vì cầm sách đọc và hít phải bụi, mốc từ sách. P.B |