Đau bên trái, mổ bên phải

Ngày 1/9, bác sĩ Cao Minh Chu, phó giám đốc sở Y tế Cần Thơ, cho biết sở đã chỉ đạo bệnh viện Lao và bệnh phổi TP.Cần Thơ có báo cáo bằng văn bản vụ bác sĩ Võ Tiến Cường của bệnh viện đặt nhầm vị trí ống dẫn lưu phổi cho bệnh nhân.

Trước đó, ngày 28.8, bệnh viện Lao và bệnh phổi TP.Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Lê Văn Giang, 29 tuổi, ngụ P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ, trong tình trạng nặng ngực, khó thở.

Sau khi khám, chụp X-quang phổi, bác sĩ Võ Tiến Cường, khoa Bệnh phổi không lao, đã chẩn đoán anh Giang bị tràn khí màng phổi phải, và chỉ định mổ đặt ống dẫn lưu.

Khoảng 14 giờ cùng ngày, bác sĩ Cường tiến hành tiểu phẫu đặt ống dẫn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vừa đặt xong, anh Giang bị co giật, toàn thân tím tái do bị choáng chấn thương.

Đau bên trái, mổ bên phải - 1

Hình ảnh X-quang của bệnh nhân Giang.

Ngay sau đó, bệnh nhân được hồi sức cấp cứu và chụp X-quang tại chỗ. Hình ảnh X-quang chụp lại cho thấy bệnh nhân bị tràn khí màng phổi bên trái chứ không phải bên phải như kết quả đọc của bác sĩ Võ Tiến Cường.

Lúc này, bác sĩ Nguyễn Văn Nhã, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện, đã mổ đặt lại ống dẫn lưu bên trái cho bệnh nhân.

Đình chỉ công tác bác sĩ

Bác sĩ Hứa Trung Tiếp, phó giám đốc bệnh viện Lao và bệnh phổi TP.Cần Thơ, cho biết hiện sức khỏe bệnh nhân Giang đã ổn định, phổi nở lại tốt, khoảng 2 ngày nữa có thể rút ống ra.

Qua họp, hội đồng chuyên môn, bệnh viện cũng đã có kết luận nguyên nhân của việc đặt nhầm ống dẫn lưu là do bác sĩ Cường đọc phim X-quang chưa chính xác dẫn đến chẩn đoán và thực hiện tiểu phẫu chưa đúng.

Tuy nhiên, bác sĩ Tiếp cũng thừa nhận trường hợp của bệnh nhân Giang là khá khó để chẩn đoán bởi bệnh nhân bị di chứng sau điều trị lao và đã điều trị tràn khí màng phổi trước đó 10 ngày.

Giải thích về sai sót của mình, bác sĩ Võ Tiến Cường, người trực tiếp thực hiện ca tiểu phẫu nói: “Bệnh nhân bị di chứng sau lao, xơ hóa và trung thất biến dạng co kéo lệch qua một bên, cung động mạch chủ cũng không thấy, lúc này hình ảnh X-quang như bị đảo lộn phải thành trái.

Từ đầu đến lúc tiểu phẫu tôi vẫn nghĩ là bên phải. Khi tôi hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện trước khi mở màng phổi, tôi cũng ghi hồ sơ là tràn khí bên phải”.

Bác sĩ Cường cũng khẳng định, bệnh nhân bị tràn khí màng phổi cả hai bên nên khi chọc thăm khám màng phổi phải vẫn cho thấy có tràn khí.

Bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn, trưởng khoa Bệnh phổi không lao, cho rằng: “Sai sót chính là khi đọc hình ảnh X-quang, bác sĩ Cường đã bị đánh lừa bởi những di chứng của bệnh nhân.

“Hình ảnh X-quang ban đầu là hình ảnh chụp kỹ thuật số, nếu bác sĩ không cẩn thận cũng sẽ nhầm bên ngay”.

Chiều cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giám đốc bệnh viện Lao và phổi TP.Cần Thơ thông tin, bệnh viện đã có quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn 6 tháng đối với bác sĩ Võ Tiến Cường và ngày 3.9 sẽ họp Hội đồng kỷ luật của bệnh viện và đưa ra hình thức kỷ luật cụ thể.

Ban Giám đốc bệnh viện cũng đã tổ chức xin lỗi gia đình bệnh nhân Giang và miễn toàn bộ viện phí trong những ngày điều trị tại bệnh viện.

Nhầm lẫn do thiếu kiểm tra, đối chiếu

Liên quan đến vụ việc bệnh nhân bị tràn khí màng phổi bên trái (phổi trái), nhưng bác sĩ lại xác định sai và chữa trị phổi bên phải, PV trao đổi với các bác sĩ từ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ chuyên khoa phổi, bác sĩ điều trị và được các bác sĩ cho biết trong y khoa cũng có những trường hợp khó chẩn đoán.

Tuy nhiên, với trường hợp tràn khí màng phổi thì rất khó nhầm lẫn bên phải thành bên trái, và ngược lại. Với tình huống này, bác sĩ nắm chắc chuyên môn chỉ cần đặt ống nghe cũng nghe và xác định được tràn khí phía phổi nào, chứ chưa cần phải nhờ đến phim X-quang.

"Việc nhầm lẫn chỉ có thể không kiểm tra cẩn thận nên mới xảy ra mà thôi”, bác sĩ của một bệnh viện đa khoa lớn tại TP.HCM cho biết.

Một bác sĩ chuyên khoa về phổi lâu năm tại TP.HCM thì khẳng định: “Với trường hợp tràn khí màng phổi có chụp X-quang, thì bệnh thể hiện bên phải hay bên trái rõ ràng, rất dễ xác định, khó có thể nhầm lẫn”.

Còn một bác sĩ trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh của một bệnh viện đa khoa lớn tại Q.5, TP.HCM cũng nói: “Với trường hợp bệnh nhân ở Cần Thơ, phải là phải, trái là trái, rất khó nhầm lẫn được”.

Chúng tôi đặt nghi vấn: “Có khi nào do cầm phim ngược nên bị đảo lộn bên?”, thì các bác sĩ quả quyết: “Không thể là do cầm phim ngược, nếu người tỉnh táo thì khi xem phim ngược là biết ngay, vì hình phim phổi to, rõ ràng”.

Trong thực hành y khoa có việc “kiểm tra, đối chiếu” để khỏi nhầm lẫn. Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra những trường hợp nhầm lẫn rất ngớ ngẩn, khó chấp nhận như trường hợp “gãy chân trái nhưng bó bột chân phải”, hay trường hợp cắt nhầm bên thận... là do cẩu thả trong việc kiểm tra, đối chiếu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Niên (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN