Dầu ăn không chữa bệnh tim mạch!

Dầu ăn không phải chữa bệnh tim mạch mà nó chỉ hạn chế các bệnh tim mạch ở những người đến tuổi dễ mắc bệnh này.

Hoang mang vì tin dầu thực vật gây ung thư

Dầu ăn không chữa bệnh tim mạch! - 1

Ảnh minh họa.

Theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội, dầu thực vật không phải là dầu thực vật mà thực chất nó được làm bởi một công nghệ rất độc hại, ép các loại hạt không đảm bảo chất lượng và dầu thực vật có thể gây ung thư, các nhà sản xuất “tẩy não” người tiêu dùng khi chê mỡ lợn để phát triển sản phẩm dầu thực vật này.

Chị Hà Thị Phương trú tại Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội tâm sự khoảng 10 năm nay nhà chị không bao giờ ăn mỡ động vật mà chủ yếu ăn dầu ăn. Gần đây, các thông tin về dầu ăn có thể gây ung thư khiến gia đình chị hoang mang vô cùng. 

Chị Phương cho biết cả nhà không biết nấu món gì. Có lúc, chị Phương cứ động viên các con không nên ăn các món rán. Dầu thực vật chị cũng hạn chế chiên rán hơn. 

Gần đây không chỉ có dầu thực vật làm đau đầu các bà nội trợ mà ngay cả chồng chị Phương cũng bảo với vợ hạn chế ăn dầu, đặc biệt là cho trẻ con ăn. Những thông tin về dầu ăn được chia sẻ chóng mặt trên mạng bởi nó liên quan tới từng bữa ăn của gia đình.

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đều khẳng định bản thân dầu thực vật vẫn rất tốt cho sức khỏe và chúng ta không thể phủ nhận được vai trò của dầu thực vật.

TS Nguyễn Trọng Hưng – Bác sĩ dinh dưỡng tại cơ sở dinh dưỡng số 2 viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, dầu thực vật rất tốt nếu biết cách sử dụng. Chúng ta không nên bài trừ một sản phẩm gì mà quan trọng là biết sử dụng nó như thế nào.

Dầu ăn chỉ nên xào, nấu canh

Trao đổi với chúng tôi, PGS Nguyễn Duy Thịnh – Nguyên giảng viên viện công nghệ thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, quy trình sản xuất dầu thực vật từ trước đến nay của các hãng đều là ép từ các loại hạt, loại quả, thậm chí thân gỗ. Tuy nhiên một số dầu thực vật độc hại nên người ta chuyển sang làm dầu thực vật công nghiệp như dầu thầu dầu, các loại cây khác.

Dầu ăn không chữa bệnh tim mạch! - 2

Dầu ăn không nên dùng để chiên.

Hiện nay, dầu thực vật chúng ta vẫn ăn là loại dầu ép từ hướng dương, lạc, vừng, hoa cải và các loại khác. PGS Thịnh cho biết dầu thực vật chứa chất béo không no. Chất béo này không gây ra các bệnh tim mạch nên được khuyến cáo sử dụng thay mỡ động vật cho những người mắc bệnh tim mạch nhưng ở giai đoạn nào đó, vì dụ phụ nữ tiền mãn kinh, đàn ông vào tuổi trên 45. 

Dầu thực vật đều được nghiên cứu và khẳng định là không nên chiên ở nhiệt độ cao, chiên đi chiên lại nhiều lần vì ở nhiệt độ cao chất béo không no sẽ chuyển hóa Acrolein (có tên gọi khác là aldehyde).Chất này rất hại với cơ thể. Acrolein thường được dùng để sản xuất nhựa ployester, propylene,grycerol…ngoài ra nó cũng được dùng như một loại thuốc diệt cỏ.

Chính vì thế, các chuyên gia đã nghiên cứu và khẳng định dầu thực vật không nên chiên ở nhiệt độ cao mà nên sử dụng trong các món xào nấu ở nhiệt độ thấp thông thường.  

Ngoài ra, để giảm giá thành, một vài sản phẩm dầu ăn được pha chế, tuy nhiên vẫn đảm bảo chất lượng cho phép – PGS Thịnh cho hay.

PGS Thịnh cho biết người dân khi chiên rán nên dùng mỡ động vật là chất béo chứa hợp chất axit béo không no, ít biến đổi thì sẽ ít tạo thành các chất gây ung thư hơn so với dầu ăn. Đồng thời, người dân nên hạn chế ăn đồ chiên rán. Nếu thích ăn thì chiên rán non, không nên rán thật kỹ, thật giòn vì càng giòn thì dầu ăn càng bị biến đổi sang thành phần khác.  

PGS Thịnh cho biết người tiêu dùng cần hiểu đúng về dầu ăn và cách chế biến nó để làm sao tốt cho sức khỏe. Và đặc biệt cần phải lưu ý, dầu ăn không phải chữa bệnh tim mạch mà nó chỉ hạn chế các bệnh tim mạch ở những người đến tuổi dễ mắc bệnh này. Còn trẻ em nên cho sử dụng mỡ động vật tốt hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN