Đằng sau việc hoãn tăng viện phí
“Hoan hô Thành phố”, đây là phản ứng đầu tiên của không chỉ 7,5 triệu dân TP. HCM mà còn của 30% dân số phía Nam đã, đang và sẽ phải về Thành phố để “đi viện”, trước quyết định rút đề xuất tăng viện phí.
Dù đã chuẩn bị tờ trình, dù là đầu tàu kinh tế, nơi người dân có mức sống cao nhất nước, dù đã có tiền lệ 61 tỉnh, thành tăng giá viện phí, thậm chí, càng tỉnh nghèo, viện phí càng cao, nhưng lãnh đạo thành phố đã quyết định rút đề xuất tăng viện phí với lý do “sợ dân sốc”.
Tất nhiên, còn một nguyên do khác là HĐND thành phố vừa gật đầu với đề xuất tăng học phí lên gấp 4 lần. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: “Không thể vừa tăng học phí vừa tăng viện phí cùng một lúc được vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội, tạo tâm lý không tốt trong nhân dân”.
Áp lực từ việc dừng tăng viện phí tất nhiên đổ lên ngành y tế. Không ngẫu nhiên, với tư cách một “ông hội đồng”, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - bác sĩ Tăng Chí Thượng cho biết, ông rất hiểu việc chưa tăng viện phí, nhưng đây cũng là “điều đáng buồn”.
Có một cách thức khác để các bác sĩ khỏi buồn và những người trót mang bệnh cũng đỡ khổ đã được nói đến ngày hôm qua, trong phiên họp của Ủy ban TVQH.
Từ 2007 đến 2012, xảy ra hiện tượng giá thuốc trúng thầu luôn cao hơn giá thị trường. Từ 2012, từ sau một điều chỉnh, bằng chính sách, tất nhiên, giá thuốc đã giảm được 20-30%. Trong hiện tại, giá thuốc ở Việt Nam chiếm tới 60% trong chi phí điều trị.
Một số cơ sở y tế, có chi phí giá thuốc lên tới 70-80%, trong khi ở các nước khác “ngoài Việt Nam”, giá thuốc chỉ chiếm 20-30% trong chi phí điều trị. 25 ngàn tỷ phải bỏ ra mỗi năm để mua thuốc. Đây là hàng loạt những con số mà Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đã công bố.
Tất cả những bất công, với người bệnh, tất cả những vô lý, đối với quản lý nhà nước này, xảy ra trong tình trạng dù giá thuốc trúng thầu luôn cao hơn giá thị trường nhưng “vẫn đảm bảo về mặt pháp lý”. Vị Chủ nhiệm Ủy ban với thực tế “tất cả cùng đúng”, nói đang thể hiện rõ ràng tình trạng “có vấn đề về quản lý nhà nước”.
Rút quyết định tăng viện phí, thực ra là hoãn tăng viện phí, một quyết định hợp lòng dân trong thời điểm hiện tại, khi thành phố vừa tăng học phí, nhưng rõ ràng, hoãn không đồng nghĩa với bỏ tăng viện phí.