Đắng lòng mẹ không biết con là trai hay gái
Trẻ sinh ra, ngay cả bác sĩ đỡ đẻ cũng phân vân không biết là nam hay nữ vì các dị tật ở bộ phận sinh dục. Hiện tại, đã có 2 bệnh viện được Bộ Y tế trao quyền “trả lại” giới tính thật cho các bé nhờ các xét nghiệm và phẫu thuật hiện đại.
Tên con gái, phận con trai
Cháu Đặng Thị U (9 tuổi) ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, khi sinh ra có bộ phận sinh dục giống con gái nên được khai sinh có chữ “Thị”. Tuy nhiên, sau 3 tháng, cả nhà tá hỏa phát hiện cháu có “2 hòn”. Gia đình đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi T.Ư khám, bác sĩ chẩn đoán 95% cháu là nam giới và hẹn tái khám để phẫu thuật. Tuy nhiên, gia đình nghèo nên lần lữa đến tận 9 năm sau...
Chuyển đổi giới tính là phẫu thuật cần sự tham gia của nhiều chuyên khoa (ảnh minh họa).
Bé U cho biết, cháu đang học lớp 3, cháu thường xuyên bị bạn bè trêu là “U ái” nên cháu rất buồn. U rơm rớm nói: “Khi đi vệ sinh, cháu muốn vào nhà vệ sinh nam, nhưng các bạn thấy cháu không “vệ sinh đứng” nên lại nhòm ngó, chỉ trỏ”.
Mẹ U cũng cho biết, nhiều cô giáo chưa biết chuyện, vào lớp đều thắc mắc “tại sao lớp này thiếu 1 nữ mà thừa 1 nam”. Gia đình cũng mang giấy chứng nhận của bệnh viện về việc U có “gen nam giới” nhưng xã vẫn chưa đổi tên cho cháu. “Gia đình rất khó khăn, bác sĩ bảo tiền phẫu thuật rất nhiều nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để “trả lại” đúng giới tính cho cháu, sau đó đổi tên khai sinh để lớn lên cháu không tự ti” – mẹ bé U cho biết.
Theo bác sĩ Vũ Chí Dũng - khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi T.Ư), bé U vừa nhập viện với chứng “rối loạn phát triển giới tính”. Đây là sự bất thường bẩm sinh về tuyến sinh dục khiến cho đứa trẻ là trai nhưng có dương vật nhỏ, không nhìn thấy, bìu bị chẻ đôi khiến nhìn bên ngoài gần như cấu tạo sinh dục nữ, hoặc đứa trẻ là gái nhưng âm vật phình to như dương vật khiến lúc mới sinh, gia đình cũng tưởng là nam giới. Ngoài ra còn có những bất thường về cấu tạo cơ quan sinh dục trong hoặc bất thường nhiễm sắc thể.
Hiện tại, tỷ lệ một đứa trẻ sinh ra có bộ phận sinh dục ngoài không xác định được là nam hay nữ là 1/4.500 trẻ sống, nhưng nếu tính cả tỷ lệ lỗ đái thấp thì có tới 1/125 trẻ có vấn đề. Bệnh viện Nhi T.Ư đang theo dõi trên 700 bệnh nhi có vấn đề về cấu tạo bộ phận sinh dục.
Vẫn còn rủi ro
Thực tế tại khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, nếu bệnh nặng thì nam giới có ngoại hình như nữ, nếu vừa thì “lập lờ” (có 2 hòn nhưng dương vật bé, lỗ tiểu thấp), cũng có nam giới phát triển bình thường nhưng đến tuổi dậy thì thì ngực to như thiếu nữ… “Hầu hết mọi người đều cam chịu vì lo ngại, xấu hổ, sợ hãi về chính bản thân mình. Việc phẫu thuật “trả lại tên cho em” cũng khá phức tạp vì cần nhiều chuyên khoa như nội tiết, tạo hình, tâm lý” - bác sĩ Dũng cho biết.
Thông tư về việc xác định lại giới tính thai nhi đã ra đời cách đây 5 năm, nhưng đến nay Bộ Y tế mới có quyết định công nhận các cơ sở y tế có đủ điều kiện để chẩn đoán và phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Quang khẳng định: “Không chấp nhận can thiệp y tế với người bất thường giới tính vì yếu tố tâm lý thông thường do xã hội tác động, vì đó là chuyển giới”.
Với nhiều chuyên gia bệnh học, bệnh này có “lịch sử” lâu đời. Các chuyên gia đã ghi nhận có bà cụ 83 tuổi ngoại hình nữ, nhưng chưa bao giờ có kinh nguyệt, bị vô sinh. Tuy nhiên, bà vẫn lấy chồng mà không biết rằng thực chất là cuộc hôn nhân của “hai người đàn ông”. Lại có trường hợp nam có bộ phận sinh dục như nữ, lấy chồng nhưng sau đó lại đi cặp bồ với nữ giới và sống như một đồng tính nữ. Tuy nhiên, về gen, đó là mối quan hệ giữa nam và nữ. “Chẩn đoán, xác định lại giới tính cho những trường hợp này là việc làm vô cùng cần thiết, giúp họ có một cuộc sống ổn định” - bác sĩ Dũng cho biết.
Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trong tuần qua, Bộ Y tế đã công nhận 2 bệnh viện: Nhi Đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) và Nhi T.Ư (Hà Nội) có đủ điều kiện phẫu thuật xác định lại giới tính. Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ thẩm định lần cuối và sớm ra quyết định công nhận thêm 2 cơ sở đủ điều kiện thực hiện can thiệp y tế xác định lại giới tính là Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Phụ sản T.Ư (Hà Nội). Sau khi được phẫu thuật, có chứng nhận của bệnh viện thì các bệnh nhân có thể xin đổi tên, đổi giới tính trên hồ sơ, giấy tờ tại UBND cấp huyện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi chuyển đổi cần sự quyết định của bố mẹ, có cam kết từ gia đình, đồng thời nên đợi đứa trẻ lớn hơn để tham gia quyết định thay đổi mình là nam hay nữ.