Đàn ông sẽ chết sớm vì ung thư nếu không từ bỏ điều này
Uống rượu bia góp phần làm tăng các ca bệnh ung thư khó chữa như phổi, gan, vòm họng, dạ dày….đối với nam giới.
Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư ở nam giới.
Ung thư ở nam giới Việt Nam xếp thứ 3 so với thế giới
Tại Hội thảo chia sẻ về thực trạng sử dụng rượu, bia ngày 26/9, Phó Giáo sư Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cảnh báo, trong bản đồ ung thư thế giới, tỷ lệ mắc ung thư ở nam giới Việt Nam được xếp ở mức thứ 3 với 135,2-178,3 ca mắc trên 100.000 người. Tỷ lệ tử vong do ung thư của đàn ông Việt nằm trong nhóm đầu tương đương một số nước khác, với hơn 142 ca tử vong trên 100.000 người.
Theo PGS. Thuấn, nam giới Việt Nam thường mắc các bệnh ung thư khó chữa như phổi, gan, vòm họng, thực quản, dạ dày. Các loại ung thư này đều có liên quan đến rượu.
“Rượu là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, chất phoocmandehit trong rượu đã được chứng minh phá hủy dạ dày gây ra ung thư”, GS Thuấn nói.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện K, thông thường đàn ông có thói quen uống rượu do tiếp khách hay thể hiện bản lĩnh đàn ông. Đối với những người uống rượu cộng thêm việc thuốc lá còn có khả năng gây ra rất nhiều loại ung thư. Tỉ lệ ung thư ở nam giới cao hơn là do hút thuốc và uống rượu nhiều.
Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, một số nghiên cứu cũng cho thấy, với các bệnh ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, người uống khoảng 1,5 đơn vị rượu một ngày có nguy cơ tăng khoảng 5 lần đối so với những người không bao giờ uống hoặc chỉ thỉnh thoảng uống. Thậm chí, người chỉ uống không quá một ly mỗi ngày cũng có nguy cơ cao hơn 20% so với người không uống rượu.
Đối với ung thư vú, người thường xuyên uống một lượng nhỏ rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một người uống khoảng 1,5 đơn vị rượu một ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú lên 5%; cứ uống thêm 10g/ ngày thì nguy cơ ung thư vú tăng thêm khoảng 7-12%.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người chỉ uống một lượng nhỏ rượu (2 đơn vị một ngày, tương đương khoảng nửa lít bia hoặc một cốc lớn rượu vang) cũng có nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng 9 % so với người không uống rượu.
Do đó, với nam giới, không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ngày, tương đương là không quá 540ml bia mỗi ngày (không quá hai cốc bia hơi), không quá 2 chén rượu mạnh, và không quá 250ml rượu vang… đối với nam. Còn với nữ giới, không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ngày.
“Tuy nhiên, dù chỉ uống 1 - 2 cốc rượu bia mỗi ngày nhưng nếu ngày nào cũng uống và uống trong một thời gian dài, bạn vẫn có nguy cơ cao mắc ung thư”, Phó Giám đốc Bệnh viện K khuyến cáo.
Nếu không từ bỏ rượu, sẽ có nhiều người phải nhập viện
Rượu gây tử vong hàng đầu ở nam giới
Bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cảnh báo, lạm dụng rượu và nghiện rượu ngày càng tăng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, phát sinh các tệ nạn xã hội, làm giảm sút kết quả lao động, học tập, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và nòi giống.
Các rối loạn tâm thần do rượu thường là ảo giác, hoang tưởng, khó ngủ, cảm xúc không ổn định, rối loạn ý thức. Chi phí điều trị cho người nghiện rượu một ngày từ 500.000 đến 1 triệu, ngoài điều trị các rối loạn tâm thần như: Hoang tưởng, ảo giác, rối loạn nhận thức, rối loạn hành vi còn phải điều trị nhiều bệnh lý cơ thể kèm theo như gan mật, tim mạch, dạ dày, viêm đa dây thần kinh chưa kể vấn đề nuôi dưỡng và chăm sóc.
Bác sĩ Lý Trần Tình chia sẻ: “Rượu khiến những nụ cười trong công việc, giao tiếp, quan hệ đời sống hàng ngày hiếm hoi nhưng lại rền vang ở bất cứ quán nhậu nào. Thậm chí, những đứa con không có sữa để uống nhưng bố chúng vẫn có rượu, bia. Mâm cơm gia đình có thể thiếu thịt, cá nhưng chén rượu vẫn luôn bốc mùi cồn”.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, sử dụng rượu bia ở mức có hại là yếu tố nguy cơ gây tử vong thứ 3 trên toàn thế giới, là yếu tố nguy cơ gây tử vong hàng đầu ở nam giới trong độ tuổi từ 15-59. Ngoài ra, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,3% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.
Đặc biệt, đối với những gia đình có thu nhập thấp, khoản chi mua rượu, bia cho người nghiện rượu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi đó các khoản thu cho y tế, giáo dục, an sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để giảm thiểu những tác hại do rượu bia gây ra, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, cần bổ sung thêm nhiều điểm mới vào Luật phòng chống tác hại của rượu bia.
Chẳng hạn, đưa ra quy định về việc cấm bán rượu bia sau 22 giờ, việc cấm bán rượu bia cho trẻ ở tuổi vị thành niên hay việc cấm quảng cáo rượu bia ở nơi công cộng...