Đã có hơn 100.000 ca mắc, 37 ca tử vong do sốt xuất huyết

Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng.

Theo Bộ Y tế, báo cáo của các địa phương, đến ngày 11/7, cả nước ghi nhận khoảng hơn 103.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đã có 37 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Liên quan đến việc phòng chống dịch sốt xuất huyết, theo Bộ Y tế kết quả kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian qua cho thấy một số vấn đề tồn tại như: tại các hộ gia đình nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tại Hà Nội tính từ đầu năm đến nay Thành phố đã ghi nhận khoảng gần 200 ca mắc sốt xuất huyết, dù số ca ít hơn phía Nam nhưng thời gian gần đây đã có xu hướng gia tăng.

Theo các chuyên gia, yếu tố dịch tễ di chuyển cộng với thời tiết miền Bắc có nhiều thất thường, khi lúc nắng gắt, lúc mưa dông kèm lượng mưa lớn chính là điều kiện thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết phát triển, dẫn đến dễ bùng dịch.

Hiện Hà Nội đang mưa nhiều vào mùa hè, dự báo trong thời gian tới cũng là đỉnh điểm của miền Bắc về dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, khi bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau mỏi người, có yếu tố dịch tễ là đi từ miền Nam ra cần đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và được điều trị kịp thời. Tránh trường hợp đến viện muộn có biểu hiện sốc, sốt xuất huyết nặng và có thể dẫn đến tử vong.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. COVID-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền.

Dấu hiệu COVID-19 ngoài sốt, đau đầu, đau mỏi người còn xuất hiện đau rát họng, ho, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, mất khứu giác... khi nặng hơn có thể tức ngực, khó thở.

Trong khi đó, sốt xuất huyết ngoài sốt cao, đau đầu, đau người sẽ thêm các biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc COVID-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất ngửi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Khi mắc sốt xuất huyết, không được tự ý làm những điều sau

Chuyên gia khuyến cáo, người dân khi mắc sốt xuất huyết không tự ý dùng aspirin, ibuprofen, cạo gió, không truyền dịch ở phòng khám tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN