Cả nước có 40.000 ca sốt xuất huyết, 8 ca tử vong, Hà Nội có thể là điểm nóng ở miền Bắc
TS Nguyễn Văn Dũng cảnh báo, dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều".
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, theo thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca tử vong. Đáng chú ý, mặc dù số ca bệnh giảm chung trên cả nước và ở miền Nam nhưng miền Bắc lại phức tạp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ trong quý I và quý II, miền Bắc ghi nhận đến hơn 1.100 ca, tức là tăng hơn 60% so với năm trước.
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
TS Nguyễn Văn Dũng cảnh báo, dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc có dấu hiệu gia tăng.
Như vậy, có thể thấy diễn biến dịch sốt xuất huyết bây giờ diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào cả.
TS Nguyễn Văn Dũng lý giải, một trong những yếu tố tác động lớn nhất chính là thời tiết. Dưới ảnh hưởng của elnino và hiệu ứng nhà kính, thời tiết không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đang diễn biến rất thất thường.
Miền Bắc năm nay nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện rất tốt cho muỗi phát triển. Kiểu thời tiết này khiến chu kỳ của muỗi rút ngắn. Thời gian từ trứng đến trưởng thành sẽ rút ngắn lại, khoảng 7-9 ngày. Khi vòng đời ngắn lại thì khả năng sinh sản sẽ nhiều hơn, tăng mật độ tiếp xúc với con người. Chỉ cần nguồn bệnh là sẽ bùng phát.
Mùa đông hiện tại ở miền Bắc cũng không lạnh như trước đây. Do đó, dự báo trong thời gian tới sẽ có nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch.
“Chúng ta không được chủ quan chỉ vì ca bệnh trên cả nước giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022 là một trong những đợt bùng phát sốt xuất huyết lớn nhất từng ghi nhận ở nước ta nên không thể lấy đó làm tham chiếu”, TS Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo TS Dũng, chúng ta chỉ mới trải qua 6 tháng đầu năm và theo tính toán trong giai đoạn tới diễn biến dịch sẽ ngày càng phức tạp hơn chứ không giảm đi.
Theo TS Nguyễn Văn Dũng, mật độ đô thị càng đông đúc, muỗi càng phát triển. Càng nội đô thì khả năng bị sốt xuất huyết càng cao do mật độ muỗi rất cao.
Ví dụ như vụ dịch năm trước, các ca bệnh ở Hà Nội tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Các huyện, xã ngoại thành bao giờ số ca sốt xuất huyết ghi nhận cũng thấp hơn.
Để phòng chống triệt để sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là người dân cần loại trừ nơi sinh sống của bọ gậy: Vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ không cần thiết để tránh nước đọng vô tình thành ổ đẻ cho muỗi. Khi giảm mật độ muỗi, dịch sốt xuất huyết sẽ hạ nhiệt.
Việc vệ sinh, sắp xếp đồ đạc "nguy cơ" không lực lượng nào có thể làm thay người dân. Do đó, nếu người dân không chung tay phòng chống thì chúng ta không bao giờ thành công, không bao giờ đẩy lui được dịch ở các tỉnh thành.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi.
Sốt xuất huyết có những dấu hiệu cảnh báo nặng như: Mệt lả đi, nôn, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi không cầm được.
Nguồn: [Link nguồn]