Cứu sống bệnh nhi 9 tuổi bị suy tủy nặng

Bé Trần Ngọc A, 9 tuổi, (Tiên Lữ, Hưng Yên), mắc bệnh suy tủy nặng vừa được các bác sĩ cứu sống.

Bệnh viện Nhi TƯ và Viện huyết học truyền máu TƯ vừa phối hợp ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy) thành công cho bé Trần Ngọc A, 9 tuổi, ở Tiên Lữ, Hưng Yên, mắc bệnh suy tủy nặng.

Theo TS Dương Bá Trực, Khoa huyết học lâm sàng, BV Nhi TƯ, cháu A bị phát hiện mắc bệnh suy tủy nặng tại Bệnh viện Nhi TƯ từ tháng 10/2013 và được chỉ định ghép tế bào gốc.

Tại đây, cháu đã được làm xét nghiệm, các bác sỹ đã tìm thấy sự hòa hợp với em ruột của cháu là Trần Ngọc G, 6 tuổi. Tuy nhiên, nếu được ghép cháu sẽ có cơ hội khỏi bệnh, nhưng ca ghép chưa được thực hiện vì gia đình cháu không đủ kinh phí. Từ đó, cháu phải đến truyền hồng cầu và tiểu cầu nhiều lần để duy trì cuộc sống và chờ cơ hội ghép tế bào gốc tạo máu.

“Qua trao đổi với các bác sĩ của Viện Huyết học Truyền máu TƯ, chúng tôi biết Viện Huyết học Truyền máu TƯ đang triển khai ghép tế bào gốc tạo máu cho trẻ em và có khả năng quyên góp kinh phí để thực hiện cho những ca đầu tiên. Và cháu A đã được chuyển từ Bệnh viện Nhi TƯ sang Viện Huyết học Truyền máu TƯ để thực hiện ca ghép”. TS Dương Bá Trực cho biết.

Cứu sống bệnh nhi 9 tuổi bị suy tủy nặng - 1

Các bác sĩ trong ca phẫu thuật cho bệnh nhi suy tủy

Theo BS Trực, phần nửa công việc còn lại là thu hoạch tủy xương của cháu G để truyền cho bệnh nhân A. Công việc này được thực hiện tại BV Nhi TƯ vì trước đó, Viện huyết học truyền máu TƯ chưa thực hiện ca này ở trẻ em bao giờ và thường lấy tế bào gốc bằng phương pháp lấy máu ngoại vi, chứ không phải từ tủy xương.

TS Dương Bá Trực cho biết, công việc này khá khó khăn vì thông thường, người cho tủy và nhận tủy có cân nặng ít nhất phải bằng nhau thì việc lấy tủy sẽ không gây nguy hiểm đối với người cho. Nhưng trong trường hợp này, cháu G mới nặng 16kg, chỉ bằng một nửa cân nặng của người nhận (cháu A) nên phải thu hoạch tối đa tủy xương của cháu G mới có thể đủ số lượng tế bào gốc tạo máu để ghép cho A.

Chính vì vậy, các bác sĩ có kinh nghiệm nhất của BV Nhi TƯ trong lĩnh vực ghép tủy đã họp bàn các phương án chi tiết và đúng như nhận định của các bác sỹ, ngày 9/3, ca thủ thuật được tiến hành một cách khéo léo nhất sau 1 giờ gây mê để lẩy đủ tế bào gốc ở trong tủy của cháu G ghép cho cháu A mà không gây nguy hiểm cho cháu G. Hiện tại, sức khỏe cháu G ổn định bình thường và đã ra viện sau hơn 1 ngày tiến hành thủ thuật.

TS Dương Bá Trực cũng cho biết, đây là ca ghép không phù hợp nhóm máu (người cho nhóm máu A, người nhận nhóm máu O). Khối lượng tủy xương cần xử lý loại hồng cầu. Đây là một công việc rất tỉ mỉ, đòi hỏi kĩ năng và kiến thức vững vàng, tuy nhiên, công việc này cũng đã được hoàn thành sau 4 giờ làm việc liên tục của các chuyên gia truyền máu bên Viện huyết học truyền máu TƯ.

Đến nay, sau hơn 10 ngày ghép, sức khỏe bệnh nhân được ghép tế bào gốc (cháu A) đã ổn định, số lượng bạch cầu bắt đầu tăng dần, sớm hơn dự kiến khoảng 5 ngày.

Theo y văn thế giới, tỷ lệ trẻ bị bệnh suy tủy là 1-2/10.000 trẻ trong một năm. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên, rất khó phòng và ở đâu cũng có một tỷ lệ nhất định trẻ bị bệnh suy tủy. “Ở Việt Nam, tỷ lệ này nhiều hơn. Riêng tại Khoa huyết học của BV Nhi TƯ liên tục hàng ngày có 5-7 bệnh nhân suy tủy. Tính trung bình mỗi năm có khoảng 30 ca cần được chữa trị. Hiện, BV có 3 cháu cũng đang chờ được ghép tủy. Mỗi ca ghép tủy hiện nay tại BV Nhi TƯ khoảng 400-500 triệu, trong đó bảo hiểm chi trả khoảng 2/3.

Những bệnh chủ yếu cần được ghép tủy là bệnh tan máu di truyền bẩm sinh; bệnh suy tủy; bệnh máu ác tính. Tuy nhiên, nguồn cho tủy rất khó khăn vì chỉ có khoảng 25% anh chị em ruột của bệnh nhân mới có các chỉ số phù hợp để ghép.

                                                              

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN