Cứu sống bệnh nhân ngừng thở do hen phế quản

Ngày 10/10, TS. Nguyễn Hải Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm vừa cứu sống bệnh nhân lên cơn hen đột ngột có biểu hiện ngừng thở.

Trước đó (ngày 25/9), bệnh nhân Vũ Thanh Hương (53 tuổi, ở Xuân Trường, Nam Định) bị hen phế quản cấp có biểu hiện ngừng thở, thở rít co kéo lồng ngực, tím môi đầu chi, thở yếu tím toàn thân và ngưng thở.

Sau 30 phút cấp cứu tại phòng khám, bệnh nhân tỉnh dần, tự thở và được chuyển về Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã dần hồi phục. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân Hương sẽ được ra viện trong vài ngày tới.

TS. Nguyễn Hải Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc cứu sống bệnh nhân Hương đã thể hiện sự phối hợp của các thầy thuốc liên khoa thuộc bệnh viện. Hiện tại bệnh nhân đã trải qua cơn thập tử nhất sinh vì cơn hen phế quản của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Những dấu hiệu báo cơn hen phế quản nặng

Bao gồm các triệu chứng như tăng số cơn hen phế quản (HPQ) xảy ra trong ngày; khó thở ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày; mức độ nặng của cơn HPQ không giảm hoặc giảm ít sau khi hít thuốc giãn phế quản hoặc sử dụng thuốc giãn phế quản và corticoid.

Khi nào cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện?

Bệnh nhân cần đến đơn vị y tế chuyên khoa trong bất kỳ thời điểm nào của cơn hen phế quản (HPQ) để được chăm sóc kịp thời nếu có các triệu chứng sau của cơn HPQ nặng và rất nặng có nguy cơ cao như:

+ Lo lắng, kích động

+ Khó nói hoặc khó ho

+ Đổ mồ hôi, co kéo hõm ức và/ hoặc các khoảng liên sườn

+ Tím tái, không nghe được rì rào phế nang

+ Rối loạn ý thức

+ Chậm nhịp hô hấp, ngưng hô hấp

+ Nhịp thở nhanh hơn 30 lần/phút, khó thở khi nằm đầu thấp

+ Mạch nhanh hơn 120 lần/phút

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN