Cứu sống bệnh nhân cúm A/H5N1 thập tử nhất sinh
Bệnh nhân Trịnh Xuân Tư, 64 tuổi (Ninh Giang, Hải Dương) bị cúm A/H5N1, suy giảm miễn dịch nặng, không đáp ứng máy thở vừa được cứu sống.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân Từ nhập viện điều trị từ ngày 17/4 với chẩn đoán ban đầu viêm phổi do cúm A.
Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, vào viện với triệu chứng ho. Sau 1 ngày điều trị phổi bệnh nhân đã viêm, suy hô hấp nặng, suy giảm miễn dịch, nấm máu, bội nhiễm nấm phổi.
Bệnh nhân phải trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) đã dùng các biện pháp thở máy, can thiệp không đáp ứng. Bệnh nhân bị tổn thương phổi do cúm vừa bội nhiễm nấm phổi, nhiễm nấm huyết.
Kết quả sau chạy ECMO 11 ngày, phổi bệnh nhân khá hơn và chuyển sang thở máy và điều trị nấm huyết. Sau hơn 20 ngày thở máy, bệnh nhân được cai máy thở và tập luyện hồi phục dần.
Bệnh nhân Trịnh Xuân Tư trong thời gian điều trị tích cực
Bác sĩ Cấp cho biết, kỹ thuật “trao đổi khí oxy qua màng ngoài cơ thể được sử dụng máy để rút máu bệnh nhân ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp Oxy và thải CO2, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim bệnh nhân. Kỹ thuật này đem lại cơ hội sống cho những bệnh nhân có tổn thương chức năng phổi hoặc tim nặng do nhiều bệnh lý khác nhau.
Theo bác sĩ Cấp, trong vụ dịch cúm A/H1N1 năm 2009 hoặc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã có nhiều trung tâm hồi sức lớn trên thế giới triển khai kỹ thuật này để cứu sống thêm nhiều bệnh nhân cúm có tổn thương phổi nặng.
Bệnh nhân Trịnh Xuân Tư được ra viện hôm nay (13/8)
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bắt đầu thực hiện kỹ thuật ECMO tĩnh mạch – tĩnh mạch trong điều trị bệnh nhân viêm phổi nặng do cúm, và đã cứu sống thành công bệnh nhân viêm phổi rất nặng, có nhiều bệnh lý phối hợp.
“Đây là tiền đề cho việc triển khai rộng rãi kỹ thuật này nhằm cứu sống thêm nhiều bệnh nhân nặng do các bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai. Kĩ thuật này cũng giúp chúng tôi thêm tự tin khi đối mặt với những bệnh dịch nguy hiểm có nguy cơ đang nổi lên như: SARS, cúm AH5N1, H7N9, dịch hạch, MERS CoV, Ebola…”, bác sĩ Cấp nói.