Cứu sống bệnh nhân bị vỡ thành tim

“Bệnh nhân Lương Minh Kỷ (64 tuổi, tỉnh Hải Dương) bị vỡ tim nếu chậm 3-5 phút sẽ rất khó cứu sống”, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết chiều qua (25/2).

Bệnh nhân Kỷ (64 tuổi, tỉnh Hải Dương) nhập viện Tim Hà Nội ngày 12/2 trong tình trạng biến chứng nhồi máu cơ tim, được chuyển lên từ BV tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường tuýp II (3 năm).

Khi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim sau dưới cấp giờ thứ 10 có biến chứng nhồi máu cơ tim thất phải - đã cấp cứu ngừng tuần hoàn. Các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy, tim giảm vận động thành sau dưới, chức năng tâm thu thất trái giảm...

Theo Ths.BS Đào Quang Vinh,trưởng khoa Ngoại, BV Tim Hà Nội, bệnh nhân được chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu. Sau can thiệp, bệnh nhân đã tạm ổn định, được chuyển về khoa hồi sức.

Khoảng 13 giờ sau khi can thiệp, bệnh nhân tụt huyết áp và được siêu âm, phát hiện dịch màng tim mức độ nhiều. Các bác sỹ đã hội chẩn và quyết định dẫn lưu màng tim cấp cứu. Sau khi đặt nội khí quản, thở máy, chuẩn bị dẫn lưu dịch màng tim thì bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức, bệnh nhân được ép tim ngoài lồng ngực.

Cứu sống bệnh nhân bị vỡ thành tim - 1

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị vỡ tim

Do diễn biến tối cấp cứu, không thể chuyển bệnh nhân lên phòng mổ, chỉ trong thời gian tức khắc, các bác sỹ quyết định phẫu thuật tim mở cấp cứu ngay tại giường bệnh và phát hiện 1 vết nứt vỡ ở gần mỏm thất phải.

Để máu không chảy ồ ạt qua vết nứt, các bác sỹ vừa ép tim trực tiếp vừa khâu tạm thời vết nứt và đặt được hệ thống tim phổi nhân tạo. Sau khi máy tim phổi nhân tạo ổn định, các bác sỹ đã tiến hành kẹp động mạch chủ và làm liệt tim chủ động để khâu bổ sung vùng nứt vỡ cơ tim cho chắc chắn.

Các chuyên gia đánh giá, đây là một ca bệnh rất nặng, có biến chứng vỡ thành tự do của thất và đã ngừng tim. Theo y văn, rất hiếm bệnh nhân có thể được cứu sống. Mặt khác, nếu trong trường hợp chủ động mổ tim hở thì sẽ không có gì khó khăn nhưng cái khó ở đây là chúng tôi phải mổ cho bệnh nhân trực tiếp trên giường bệnh, vì chỉ chậm vài ba phút nữa sẽ rất khó cứu chữa.

Hiện taị, bệnh nhân đã bỏ hoàn toàn được thuốc trợ tim, sức khỏe tương đối ổn định nhưng BV vẫn giữ lại vài ngày để theo dõi vết mổ nhằm đảm bảo tuyệt đối vết mổ không bị nhiễm trùng.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân, nhồi máu cơ tim là một tai biến đột ngột vì vậy tất cả bệnh nhân bị đau ngực trái, đặc biệt là bệnh nhân có tiền sử rối loạn mỡ máu, cao huyết áp hoặc đã từng bị chẩn đoán là thiếu máu cơ tim, khi có những triệu chứng như đau tim đột ngột thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu càng sớm càng tốt vì thời gian can thiệp để tưới máu lại cho tim là rất ngắn.                     

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN