Cứu người đột quỵ - chậm một phút chết 2 triệu tế bào não

Sự kiện: Đột quỵ
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Khi cơn đột quỵ xảy ra, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào thần kinh chết đi, đòi hỏi phải chạy đua với thời gian để cứu người bệnh khỏi nguy cơ tử vong, tàn phế.

"Đưa người bệnh đến viện sớm, xử trí kịp thời trong 4,5-6 giờ đầu tiên là yếu tố sống còn của đột quỵ", Trung tá, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, TP HCM, nói bên lề chương trình đi bộ nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ do bệnh viện phối hợp tổ chức, ngày 30/11. Chương trình thu hút khoảng 1.300 người tham gia.

Đột quỵ còn được gọi tai biến mạch máu não. Não bộ tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể dẫn đến thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí tử vong. Hầu hết người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như tê liệt, cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...

Theo bác sĩ Nghĩa, không ít người bệnh đột quỵ vào viện trễ vì chưa nhận thức đúng về bệnh, khi xảy ra các triệu chứng như yếu người, liệt mặt lại chần chừ đợi thêm xem thế nào. Có người lại tưởng nhầm trúng gió, say nắng, nghỉ ngơi đợi từ từ sẽ hồi phục, hoặc tự ý xử trí bằng cách xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lể, đâm kim vào ngón tay. Từng có trường hợp bệnh nhân vào viện sau khi chích lễ 10 đầu ngón tay và 10 đầu ngón chân, làm chậm trễ thời gian vàng, để lại di chứng nặng nề khó hồi phục.

Một số bệnh nhân xảy ra cơn đột quỵ trong đêm, khi người nhà phát hiện thì đã qua những giờ đầu. Ngoài ra, nhiều người tiếp cận điều trị trễ còn vì chọn sai nơi cấp cứu, vào những cơ sở không có khả năng điều trị đột quỵ cấp, phải tốn nhiều thời gian làm thủ tục chuyển viện.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 điều trị bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: Chính Trần

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 điều trị bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: Chính Trần

Vào viện trễ, bệnh nhân sẽ không áp dụng được các biện pháp điều trị đặc hiệu, chẳng hạn như thuốc tiêu sợi huyết. Thuốc này được khuyến cáo hàng đầu cho bệnh nhân nhồi máu não ở giai đoạn cấp, áp dụng trong 4,5 giờ đầu hoặc trễ nhất là 6 giờ, giúp hồi phục rất ngoạn mục. Các phương pháp khác như lấy huyết khối có thể tiến hành trễ hơn, nhưng càng xử trí muộn thì khả năng hồi phục càng giảm.

Theo bác sĩ Nghĩa, càng xử trí cấp cứu chậm trễ, lõi hoại tử nhồi máu càng rộng. Có những trường hợp vào viện trong khoảng 6-24 giờ, song nếu lõi nhồi máu quá lớn thì bác sĩ cũng không thể can thiệp gì được. Người bệnh phải chấp nhận di chứng tàn phế bởi ảnh hưởng từ vùng não tổn thương. Bác sĩ chỉ điều trị ngăn cơn đột quỵ tiếp theo và ứng dụng các phương pháp phục hồi chức năng.

Trước đây, đột quỵ chủ yếu gặp ở bệnh nhân trên 65 tuổi, gần đây phổ biến từ lứa tuổi khoảng 40. Có những trường hợp bệnh nhân chỉ ngoài 20 tuổi. Nguyên nhân khiến đột quỵ gia tăng ở người trẻ tuổi là do lối sống thiếu lành mạnh, áp lực công việc, môi trường sống hiện đại. Tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá là những yếu tố nguy cơ hàng đầu. Lối sống lười vận động, ăn nhiều dầu mỡ, căng thẳng từ cuộc sống đã thúc đẩy nguy cơ mắc đột quỵ ở người trẻ. Không ít người đột quỵ vì không biết bản thân bị tăng huyết áp hoặc chủ quan không kiểm soát bệnh này.

Lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và hơn 1.000 tham gia đi bộ nâng cao nhận thức về bệnh đột quỵ, ngày 30/11. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và hơn 1.000 tham gia đi bộ nâng cao nhận thức về bệnh đột quỵ, ngày 30/11. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, trong đó tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ngày càng gia tăng, chiếm từ 10-15% tổng số ca. Đột quỵ không chỉ gây ra gánh nặng cho gia đình người bệnh mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội.

Để phát hiện kịp thời và đơn giản, Hội Đột quỵ Thế giới khuyến cáo kiểm tra theo quy tắc F.A.S.T. Trong đó, F là Face - mặt, yêu cầu người bệnh cười hoặc nhăn mặt, nếu một bên mặt bị xệ hoặc không thể cử động bình thường có thể là dấu hiệu của đột quỵ. A là Arms - tay, yêu cầu người bệnh nâng cả hai tay lên, cảnh giác nếu một tay yếu hoặc rơi xuống, không thể giữ vững.

S là Speech - lời nói, người bệnh lặp lại một câu đơn giản, nếu nói không rõ hoặc không thể nói được có thể là dấu hiệu của đột quỵ. T là Time - thời gian, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, đưa người bệnh đến cơ sở có khả năng cấp cứu điều trị đột quỵ gần nhất. Thời gian là yếu tố quyết định trong việc điều trị đột quỵ, việc hành động nhanh chóng có thể cứu sống người bệnh và giảm thiểu tổn thương não. Tuyệt đối không trì hoãn hay sơ cứu tại chỗ vì làm mất đi cơ hội điều trị.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều người nghĩ rằng đột quỵ não là xuất hiện rầm rộ các triệu chứng như: ngã, liệt, nói ngọng, thậm chí hôn mê... nên những biểu hiện diễn ra một cách từ từ và kín đáo rất dễ bị bỏ qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phương ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN