Cuối quý 3 năm nay, Việt Nam sẽ có vắc-xin COVID-19 đầu tiên
“Hy vọng vào cuối quý 3/2021, Việt Nam sẽ có vắc-xin đầu tiên do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất để phòng, chống dịch COVID-19", ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định.
Cuối quý 3/2021 sẽ có vắc-xin đầu tiên
Chiều 22/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về tình hình, tiến độ nghiên cứu, phát triển các vắc-xin trên thế giới và của Việt Nam đến thời điểm hiện tại.
Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang đã báo cáo tổng hợp tình hình các loại vắc-xin phòng COVID-19 đang được sử dụng trên toàn thế giới.
Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang.
Theo đó, các loại vắc-xin này đều được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp, ứng phó với dịch bệnh.
Thời gian qua, đã có 4 đơn vị của Việt Nam nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng COVID-19. Trong đó vắc-xin NanoCovax của Công ty NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2.
Vắc-xin Covivac của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vắc-xin của Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4/2021.
Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của cả 3 vắc-xin này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng. Có được kết quả bước đầu này, trước hết là do đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vắc-xin của Việt Nam rất có kinh nghiệm. Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam đều hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vaccine uy tín trên thế giới.
Đặc biệt, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 của chúng ta tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn, khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.
Cụ thể, đối với vắc-xin NanoCovax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiêu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh.
Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2021, sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc-xin NanoCovax, và đang có triển vọng rất lạc quan.
Dự kiến đầu tháng 5/2021, vắc-xin NanoCovax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, tất cả các chuyên gia, đại diện Bộ Y tế đều rất lạc quan cho rằng nếu thuận lợi, thậm chí cuối quý 3/2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắc-xin NanoCovax, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến trước đó.
Đại diện Bộ Y tế lý giải thêm, khi chúng ta bắt đầu tiêm vắc-xin Astrazeneca thì tại một số nước trên thế giới nghi ngại phản ứng phụ nên đã tạm dừng hoặc làm chậm quá trình tiêm vắc-xin này, nhưng Việt Nam ngay từ đầu đã triển khai thận trọng, bảo đảm an toàn, kết hợp theo dõi thông tin tiêm chủng trên hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, đồng thời là bước chuẩn bị cấp “giấy thông hành vắc-xin”. Vì vậy, việc nghiên cứu, so sánh vắc-xin của Việt Nam và vắc-xin Astrazeneca càng thuận lợi hơn.
“Hy vọng vào cuối quý 3/2021, Việt Nam sẽ có vắc-xin đầu tiên để phòng, chống dịch COVID-19 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước”, ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ KH&CN, đặc biệt là các đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc-xin thời gian qua đã rất nỗ lực, đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhưng cần tiếp tục khẩn trương hơn nữa.
Phó Thủ tướng nhắc lại nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể có những biến đổi, tiếp tục tồn tại một số năm nữa. Cho đến giờ phút này nhiều khả năng các vaccine phòng COVID-19 đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.
Vắc-xin Astrazeneca có hiệu lực 79% trong việc phòng ngừa COVID-19 có triệu chứng
Tối 22/3 AstraZeneca công bố Thử nghiệm vắc-xin AZD1222 tại Mỹ giai đoạn III đạt tiêu chí chính trong việc ngăn chặn COVID-19 qua phân tích giữa kỳ. Vắc-xin có hiệu lực 79% trong việc phòng ngừa COVID-19 có triệu chứng, 100% hiệu quả trong việc chống lại bệnh nặng/nghiêm trọng và nhập viện. Kết quả hiệu lực nhất quán giữa các nhóm sắc tộc và tuổi tác; hiệu lực 80% ở những người tham gia từ 65 tuổi trở lên.
Bà Ann Falsey, Giáo sư Y khoa, Trường Y khoa của Đại học Rochester, Hoa Kỳ, và đồng nghiên cứu viên trưởng của thử nghiệm, cho biết: “Những phát hiện này tái khẳng định kết quả của những thử nghiệm lâm sàng AZD1222 trước đó trên người trưởng thành, nhưng thật đáng mừng khi lần đầu tiên ghi nhận được kết quả hiệu lực tương tự ở những người trên 65 tuổi. Phân tích này xác nhận vắc-xin COVID-19 của Astrazeneca là một lựa chọn rất cần thiết bổ sung cho chương trình tiêm chủng, tự tin rằng người lớn ở mọi lứa tuổi đều có thể được bảo vệ khỏi virus.
AstraZeneca sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu và chuẩn bị nộp các phân tích chính cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, cho quy trình phê duyệt Sử dụng Khẩn cấp trong những tuần tới. Song song đó, phân tích chính sẽ được nộp để công bố trên một tạp chí bình duyệt.
Trong số những người tham gia thử nghiệm có khoảng 79% là người da trắng, 8% người da đen/ người Mỹ gốc Phi, 4% người Mỹ bản địa và 4% người châu Á, và 22% người gốc Tây Ban Nha.
Khoảng 20% số người tham gia ở độ tuổi trên 65, và khoảng 60% có bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ tiến triển COVID-19 nặng như bệnh tiểu đường, béo phì nặng hoặc bệnh tim.
Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, chia sẻ: “Tin vui hôm nay tiếp tục khẳng định hiệu lực cao và khả năng dung nạp tốt của vắc-xin COVID-19, bao gồm cho cả đối tượng người châu Á – nhóm chiếm 4% tổng số người tham gia thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn này. Chúng tôi rất biết ơn sự tin tưởng của Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đối với vắc-xin này, và quyết định dựa trên cơ sở khoa học của họ để sử dụng vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca để triển khai Kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Cho đến nay đã giúp bảo vệ hơn 34.000 nhân viên y tế tuyến đầu trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh này.”
Nguồn: [Link nguồn]
Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ireland, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan đã hoãn sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của Oxford/AstraZeneca do người...