Cuối năm thất tình uống nhiều rượu bia: Không hết buồn lại sầu thêm
Rượu bia vốn là chất gây kích thích hệ thần kinh và đem lại nhiều hệ quả xấu cho sức khỏe dù là uống ít hay uống nhiều.
Rượu, bia là chất kích thích, có thể gây hưng phấn khi sử dụng, do đó nhiều người tin rằng uống rượu bia có thể giúp họ xóa bỏ được những mệt mỏi, buồn phiền và căng thẳng.
Ảnh minh họa: Internet
Rượu bia có giúp giải sầu để vui vẻ?
Thất tình đi uống rượu/bia, mệt mỏi uống rượu/bia, vui/buồn uống rượu/bia… vốn là câu nói quen thuộc của nhiều người, nhất là người trẻ. Tuy nhiên sau những cơn uống say để quên tất cả, người sử dụng rượu, bia thường đối mặt với những cơn đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, một số nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của rượu với nồng độ cồn thấp khi tiêu thụ một lượng rượu/bia có hàm lượng cồn dưới ngưỡng 20 gam mỗi ngày.
Đây cũng là lý do mà xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, ở nồng độ thấp uống rượu bia có tác dụng an thần và làm giảm lo âu. Chúng cũng có tác dụng làm tăng nhịp tim và sức co bóp tim, giúp lưu thông máu.
Chỉ khi ở nồng độ cao hơn rượu bia mới gây rối loạn tâm thần, mất điều hòa, không tự chủ được hành động. Khi nồng độ rượu trong máu quá cao, người ta có thể bị hôn mê, ức chế hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên một công trình khoa học nghiên cứu toàn diện để tìm ra ngưỡng an toàn đối với rượu được đăng tải trên tạp chí Lancet 2018 đã cho thấy ngưỡng an toàn khi sử dụng đồ uống là zero, tức là không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe khi sử dụng rượu.
Trên thực tế, theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện công sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, rượu bia khi đi vào cơ thể con người từ miệng, đến dạ dày, đi vào hệ thống tuần hoàn đến não, thận, phổi, gan đều gây ra tác hại không tốt cho sức khỏe.
Không lạm dụng rượu bia
Tại hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia đồ uống có đường, do Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge vào tháng 7 vừa qua, TS Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục y tế dự phòng cho biết, Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.
Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam, đặc biệt là nam giới.
“Số ca tử vong do rượu bia khi tổng kết lại với con số khá lớn. Sử dụng rượu bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Theo thống kê gần đây nhất, mỗi năm có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hoá, nhiễm trùng và do một số bệnh khác, trong đó ước lượng có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu (chiếm tỷ lệ 7,5%)”, TS Quốc Bảo nói.
Chính vì thế, bảo vệ sức khỏe thì không nên uống rượu bia, kể cả khi bạn buồn bã cần chất kích thích để giải sầu. Tuy nhiên khi uống nên cân nhắc và uống đúng cách để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe, theo Viện dinh dưỡng quốc gia.
Cụ thể về liều lượng: bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau: Lượng cồn tiêu thụ được tính toán dựa trên nồng độ cồn của đồ uống và thể tích đồ uống. Cụ thể theo công thức tính sau: Dung tích (ml) x nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi).
Một đơn vị rượu là 10 g cồn tương đương ¾ lon bia 330 ml; 135 ml rượu vang; 30 ml rượu whisky. Nếu uống cần hạn chế: đối với nam: ≤ 02 đơn vị cồn/ngày; nữ: ≤ 01 đơn vị cồn/ngày.
Uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu.
Trước khi uống rượu bia nên uống nước lọc, nước quả hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày.
Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
Không nên uống rượu lúc đói, không uống rượu với đồ uống có ga, không uống rượu với caffeine.
Không nên sử dụng rượu với aspirin, một loại thuốc giảm đau.
Đối với nhiều người, uống rượu bia là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy, trước khi uống cần biết những điều này để hạn chế tối đa tác hại do rượu gây nên.
Nguồn: [Link nguồn]