Cuộc chiến giữa tâm dịch Bắc Giang: Gian nan nhưng không đơn độc

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Những ngày qua, trước tình hình dịch COVID-19 tại Bắc Giang diễn biến ngày càng phức tạp và cam go, “đoàn quân” từ Quảng Ninh gồm 200 y bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện đã nhanh chóng lên đường chi viện, dồn tổng lực cho cuộc chiến dập dịch tại “xứ vải thiều”. Đáp lại tình cảm đó, bà con nơi đây đã tiếp đón đoàn công tác rất nồng hậu, đậm nghĩa tình.

Đoàn nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vô cùng xúc động khi được bà con Bắc Giang tặng những bó hoa sen cùng hoa quả quê hương - Ảnh : NVCC.

Đoàn nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vô cùng xúc động khi được bà con Bắc Giang tặng những bó hoa sen cùng hoa quả quê hương - Ảnh : NVCC.

Tinh thần nhiệt thành của những "chiến sĩ thời bình"

Đã hơn một tuần kể từ khi đoàn xe chở 200 "chiến sĩ" áo trắng của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh cùng những thiết bị hiện đại nhất bắt đầu lăn bánh đến tâm dịch Bắc Giang "chi viện". Toàn bộ đoàn công tác chia làm 10 nhóm, mỗi nhóm 20 người và bầu ra 1 nhóm trưởng. 

Ngay từ ngày đầu tiên đến đây, đoàn đã có mặt tại hai ổ dịch nóng nhất là Khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân đến tận khi màn đêm phủ kín mới tạm được nghỉ ngơi. Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch, những ngày sau, đoàn tiếp tục lấy hàng chục nghìn mẫu một ngày từ cách nhà máy, khu dân cư.

Trò chuyện cùng phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, bác sĩ Đào Chí Cường, trưởng nhóm 8 chia sẻ: "Hàng ngày, đoàn mình đều miệt mài đi lấy mẫu, phối hợp với CDC tỉnh kiểm soát vùng dịch sao cho nhanh nhất, thần tốc nhất, mà thời gian nào có cố định, cứ phải đủ số lượng mẫu, hết dân mới nghỉ ngơi được chút. Có nhiều khi nửa đêm rồi mới phát hiện ra F0 mới, các lãnh đạo yêu cầu phải lập tức truy vết khoanh vùng khu vực đó, ai nấy đều hăng hái mặc đồ đi ngay, tinh thần rất mạnh mẽ."

Tuy vất vả với cường độ công việc cao bất kể ngày đêm nhưng các thành viên của đoàn "chi viện" luôn lạc quan, nhiệt huyết, hết lòng vì công cuộc chống dịch - Ảnh: NVCC.

Tuy vất vả với cường độ công việc cao bất kể ngày đêm nhưng các thành viên của đoàn "chi viện" luôn lạc quan, nhiệt huyết, hết lòng vì công cuộc chống dịch - Ảnh: NVCC.

Nói về gia đình, bác sĩ Đào Chí Cường nghẹn giọng: "Mình thì chưa vợ con gì, còn bố mẹ thì lo lắng lắm, mỗi ngày đều gọi hỏi thăm tình hình nhưng cũng ủng hộ và tự hào vô cùng. Được cái mình là đàn ông còn mạnh mẽ chứ các chị em đôi khi cũng yếu lòng, gọi về nhà mà sụt sùi nói nhớ chồng con, bố mẹ, nghĩ mà thương". 

Ở đợt dịch trước, anh Cường cùng đồng nghiệp cũng đã có khoảng thời gian ngắn đến tâm dịch Đông Triều tại quê hương Quảng Ninh, còn chuyến hỗ trợ láng giềng Bắc Giang lần này, tất cả đều chưa biết ngày về.

"Ai thì cũng đều được ăn món dưa muối rồi nhưng đến giờ anh chị em mới rõ vị "người muối. Trong bộ đồ bảo hộ, xong việc cởi ra mà toàn thân ướt đẫm, vừa chua vừa mặn, tiết trời mùa này khắc nghiệt đến thế đấy. Nhưng nghĩ đến bệnh nhân, nghĩ đến đất nước, mình lại thấy thật sự vinh dự khi đang được ở đây, làm công việc này", anh Cường vừa nở nụ cười vừa tâm sự về nỗi vất vả mà anh cho là kỷ niệm khắc ghi suốt đời lương y của mình.

Cuộc chiến giữa tâm dịch Bắc Giang: Gian nan nhưng không đơn độc - 3

Những cái đặt lưng vội vã trong bộ đồ bảo hộ kín như bưng của các y bác sĩ giữa trưa hè nóng bức - Ảnh: NVCC.

Những cái đặt lưng vội vã trong bộ đồ bảo hộ kín như bưng của các y bác sĩ giữa trưa hè nóng bức - Ảnh: NVCC.

"Bà con Bắc Giang đậm nghĩa tình lắm"

Hôm đầu tiên đến Bắc Giang, sau một ngày dài làm việc trở về nơi nghỉ ngơi, vừa bước xuống xe, cả đoàn cán bộ y tế Quảng Ninh ai cũng bất ngờ, rưng rưng khi thấy một tấm băng rôn vô cùng dễ thương do anh Trọng Sơn – quản lý khách sạn treo lên, mọi mệt mỏi vì thế mà tan biến hết thảy.

Các y bác sĩ chụp ảnh bên tấm băng rôn với tinh thần quyết thắng đại dịch - Ảnh: NVCC.

Các y bác sĩ chụp ảnh bên tấm băng rôn với tinh thần quyết thắng đại dịch - Ảnh: NVCC.

Bác sĩ Cường kể: "Bà con nơi đây ai nấy đều sẵn sàng giúp đỡ mình và quan trọng là họ thấu hiểu được công việc của mình. Ấm lòng nhất là chú chủ khách sạn chỗ mình ở, tốt bụng lắm, luôn làm mọi thứ để hỗ trợ đoàn chu toàn nhất có thể như giặt giũ, mua đồ nhu yếu phẩm cho các cán bộ. Hơn thế, chú còn chờ đoàn về để xếp sẵn hoa quả tươi mát bồi bổ. Hôm nào đi làm về cũng thấy có tờ giấy ghi "trong phòng có đồ ăn thức uống miễn phí" để trước cửa, lắm lúc còn được phục vụ cả bữa ăn đêm".

Ảnh: NVCC.

Ảnh: NVCC.

Đi đến đâu, đoàn cũng nhận được sự đón tiếp vô cùng nồng hậu, hiếu khách của người dân "xứ vải thiều". Có lần, đoàn nhận được những bó hoa sen cùng hoa quả quê hương mà bà con gửi tặng, ai cũng rạng rỡ cùng nhau chụp những bức ảnh kỉ niệm. Chị Nga, nhân viên y tế của đoàn chia sẻ: "Những món quà ấy dường như đã xua tan cái nắng ngày hè và nỗi nhớ nhà".

Dẫu "trận chiến" tại Bắc Giang vẫn còn gian nan nhưng mỗi người dân nơi đây, mỗi "chiến sĩ" trong công tác chống dịch đều biết rằng, họ không đơn độc, rằng khi có khó khăn, mới thấm thía nhất hai chữ "đồng bào".

Cuộc chiến giữa tâm dịch Bắc Giang: Gian nan nhưng không đơn độc - 7

Các y bác sĩ, cán bộ y tế Quảng Ninh nở nụ cười rạng rỡ chụp ảnh cùng những đóa hoa sen người dân tặng - Ảnh: NVCC.

Các y bác sĩ, cán bộ y tế Quảng Ninh nở nụ cười rạng rỡ chụp ảnh cùng những đóa hoa sen người dân tặng - Ảnh: NVCC.

Nguồn: [Link nguồn]

COVID-19 diễn biến phức tạp: Bắc Giang gấp rút hoàn thiện Bệnh viện Dã chiến

Hiện tổng đội ngũ cán bộ nhân viên y tế phục vụ Bệnh viện Dã chiến này lên đến 500 người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Phương Linh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN