Cuộc chiến giành vắc-xin gay cấn của phụ huynh có con nhỏ
Rất nhiều gia đình đã phải huy động hết tất cả các nguồn lực để đăng ký được 1 liều vắc xin cho con.
Cuộc chiến đấu để có một liều vắc xin cho trẻ đang đến hồi gay cấn. Rất nhiều gia đình đã phải huy động hết tất cả các nguồn lực để kiếm được 1 liều vắc-xin cho con nhỏ. Thậm chí, họ còn lên mạng thuê người canh chừng cho chắc ăn.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo về lịch đăng ký tiêm vắc-xin Pentaxim (5 trong 1) đợt 4. Theo đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ không tổ chức đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim trực tiếp tại cơ sở tiêm chủngvà bắt buộc phải đăng kí trực tuyến qua mạng internet.
Để tránh hiện tượng chen lấn trong việc đăng kí tiêm Vác-xin trực tiếp. Bộ Y-tế đã thông báo dừng việc đăng kí tại các địa điểm tiêm chủng. Thay vào đó là phải đăng kí trực tuyến trên internet.
Việc đăng kí tiêm vắc xin sẽ được thực hiện bắt đầu từ 9h sáng ngày 29/3. Và sẽ có 2.500 liều vắc-xin Pentaxim được cung cấp trong đợt này.
Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các gia đình đã lo sốt vó và đã tìm đủ mọi cách để có thế "tậu" cho mình một liều vắc-xin đợt này. Nhiều gia đình đã phải huy động hết tất cả các nhân sự trong nhà để canh giờ vào ngày hôm đó.
Chị Liên Nguyên (28 tuổi, Thành Công) cho biết: "Bé nhà mình đã gần 2 tuổi rồi nhưng mới chỉ tiêm có 1 mũi 5 trong 1. Trong khi đó, cả một năm nay mình chờ đợi vắc-xin về để tiêm mũi nhắc lại trong vô vọng. Thậm chí, mình chấp nhận tiêm giá cao cũng không khả quan".
Anh Thắng đã phải lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng mạng.
Chị Liên cho biết, chị không yên tâm khi cho con mình tiêm vắc-xin Quinvaxem - một loại vắc-xin có tác dụng tương tự, vì rất nhiều trường hợp tử vong do tiêm chúng: "Mình đọc trên báo nhiều và biết có kha khá trường hợp trẻ bị tử vong do tiêm vắc-xin Quinvaxem. Và việc xảy ra những sự việc như thế thì không ai mong muốn cả, tuy nhiên mình vẫn rất sợ. Thế nên mình thà chờ vắc-xin Pentaxim hơn là phó mặc cho sự may rủi".
Về việc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo về lịch đăng ký tực tuyến tiêm vắc-xin Pentaxim đợt 4, chị Liên cho biết mình đã để "hụt" trong đợt trước vì lượng truy cập quá đông, nên xảy ra hiện tượng nghẽn mạng: "Lần trước mình thức từ rõ sớm để canh giờ đăng kí, nhưng vào lúc nào cũng không thể truy cập được nên mình bị hụt. Vì vậy, trong đợt này, mình tìm kiếm sự giúp đỡ từ chồng, anh, chị, em trong nhà cho chắc ăn".
Đồng tình với quan điểm của chị Liên, anh Thắng (Hải Phòng) cũng đã phải lên kế hoạch tỉ mỉ để có được liều vắc-xin trong đợt này. Thậm chí, anh Thắng đã phải lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, việc đăng kí qua internet cũng không khả quan hơn là bao nhiêu khi lượng truy cập cao dẫn tới nghẽn mạng.
Anh Thắng treo 1 triệu đồng cho bất kì ai đăng kí thành công ngay trong đợt này: "Ngoài việc vợ chồng mình đăng kí trên mạng ra, mình cũng nhờ sự giúp đỡ của bạn bè hoặc đăng tin trên mạng nhờ các bạn trẻ giúp mình. Lần trước hai vợ chồng mình cũng trực rồi nhưng không thành công. Cả đêm hai vợ chồng thức để chuẩn bị kịp giờ đăng kí nhưng càng truy cập vào, càng bị lỗi. Hai vợ chồng cố thế nào cũng không được".
Tiếp lời, anh Thắng tâm sự: "Con mình được 18 tháng rồi mà mới có một liều vắc-xin nào cả. Mình lo lắng lắm", anh Thắng búc xúc.
Trước đó vào ngày 8/3, Trung tâm Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật và Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (131 Lò Đúc) mở đợt 3 tiêm phòng vaccin 5 trong 1. Phụ huynh chỉ đăng kí tại website duy nhất tiemvacxin.vn. Sẽ có hơn 3.000 liều vắc-xin dành cho trẻ từ 2-24 tháng tuổi. Tuy nhiên, với cách đăng kí này, hệ thống đăng kí qua mạng đã bị nghẽn do lượng truy cập quá tải.
Việc khan hiếm vắc-xin dịch vụ xảy ra khi hàng loạt trường hợp trẻ phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem của chương trình tiêm chủng quốc gia. Bộ Y tế buộc phải đình chỉ sử dụng Quinvaxem để điều tra nguyên nhân.
Tổ chức Y tế Thế giới sau đó xác định chỉ 9 trường hợp liên quan đến vắc-xin đều hồi phục. Các ca còn lại không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc-xin. Tuy vậy, tâm lý lo sợ khiến nhiều gia đình có điều kiện tìm đến vắc-xin dịch vụ "5 trong 1", "6 trong 1". Cung không đủ cầu tạo ra tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ mấy năm gần đây.