Cúm thường cũng gây tử vong!

“Mùa cúm” thường xảy ra vào dịp đông xuân, là thời điểm thuận lợi cho virus cúm phát triển. Ngoài trường hợp thai phụ tên H. (26 tuổi, ngụ Bình Phước) tử vong do nhiễm cúm A/H3 cách đây ít ngày, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị cho bệnh nhân V.V.Đ (35 tuổi, ngụ Hải Dương), nguy kịch do nhiễm cúm A/H1N1.

Tấn công thanh niên

 

PGS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, cho biết cách đây gần 2 tuần, bệnh nhân Đ. được chuyển đến BV với chẩn đoán viêm phổi do cúm A/H1N1, có biến chứng suy đa tạng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tím môi và đầu chi, phổi mờ, suy 5 tạng, gồm: hô hấp, tim mạch, gan, thận và huyết học. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm đã khẳng định bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Bệnh nhân được điều trị cách ly, gây mê hoàn toàn, hỗ trợ thở máy, sử dụng thuốc kháng virus, kháng sinh và lọc máu hấp phụ độc tố... Theo PGS-TS Nguyễn Gia Bình, tại thời điểm này, dù tình trạng bệnh nhân đã cải thiện tốt hơn nhưng vẫn còn phải thở máy.

Trước đó, chị H. đang mang thai ở tháng thứ 5 thì tử vong do nhiễm cúm A/H3. Nhập viện trong tình trạng ho ra máu và sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã không qua khỏi. Điều tra dịch tễ cho thấy đàn gà mà gia đình chị H. nuôi thời gian gần đây bị bệnh và chết rải rác. Quanh khu vực chị H. sinh sống cũng có những con gà bị bệnh. Trước khi nhập viện, chị H. có biểu hiện sốt cao, ho, mệt mỏi. Sau nhiều ngày tự điều trị tại nhà nhưng bệnh tình không thuyên giảm, chị H. được gia đình chuyển đến một BV tư trên địa bàn và có biểu hiện ho ra máu. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Bình Phước điều trị. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của thai phụ mỗi ngày một xấu và chị đã tử vong ngày 14-11 vừa qua.

Cúm thường cũng gây tử vong! - 1

Sau gần 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân V.V.Đ vẫn phải thở máy

Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, cho biết lâu nay, không ít người vẫn nghĩ cảm cúm là bệnh thông thường nên khá chủ quan. Thực tế, nhiều nhiều trường hợp rơi vào tình trạng bệnh nặng, thậm chí tử vong vì nhập viện muộn. “Bệnh nhân Đ. cũng có các biểu hiện ban đầu giống hệt cúm mùa thông thường nên chủ quan, sau gần 4 ngày có biểu hiện bệnh mới nhập viện điều trị. Nếu không được hồi sức tích cực thì rất dễ tử vong” - bác sĩ Thạch cảnh báo.

Cảnh giác virus cúm mùa đông xuân

Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tại Việt Nam, virus cúm lưu hành quanh năm nhưng vào tháng 4 và tháng 10 hằng năm thì số ca nhiễm cao hơn các tháng khác. Mùa đông xuân cũng là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát tán. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, cho biết cúm là bệnh cảnh thông thường, nhiều người mắc nhưng phần lớn có thể tự khỏi. Triệu chứng bệnh thường là hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng, đau mỏi người. Nếu không bị bội nhiễm và biến chứng bất thường thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày. Tuy vậy, một số nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm dễ trở nặng như: người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, thai phụ, người mắc bệnh mạn tính. “Đừng nghĩ cúm là nhẹ, ở nhà tự điều trị. Thực tế, có nhiều trường hợp biến chứng suy hô hấp, tổn thương phủ tạng, gan, thận. Vì vậy, những người bị cúm nhưng có dấu hiệu nặng lên như viêm phổi, suy hô hấp, khó thở, đau ngực, sốt cao liên tục trong 2 ngày nên đến ngay các cơ sở y tế” - bác sĩ Hà lưu ý.

Theo bác sĩ Hà, những năm gần đây, cúm A/H1N1 gây dịch đã trở thành cúm thường, lưu hành quanh năm, phần lớn các ca mắc ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ nhỏ người tử vong vì nhiễm trùng cơ hội khi bị nhiễm virus cúm A/H1N1. “Ngay cả với các loại cúm B, H3N2 được cho là ít nguy hiểm nhưng cũng có thể gây ra biến chứng khó lường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. BV Bệnh Nhiệt đới trung ương từng tiếp nhận một số ca biến chứng viêm phổi nặng, không phải trên người già, người có bệnh từ trước, phụ nữ có thai mà là thanh niên khỏe mạnh. Điều này cho thấy bệnh cúm thông thường cũng có thể diễn tiến nặng lên và gây tử vong cho bất kỳ đối tượng nào” - bác sĩ Hà nhận định.

Các bác sĩ cũng lưu ý thuốc kháng virus Tamifu vẫn được sử dụng trong điều trị sớm bệnh nhưng nếu nhập viện muộn, việc điều trị bằng loại thuốc này hầu như không tác dụng.

Chưa tăng độc lực nhưng có thay đổi gien

GS-TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định các giám sát cho thấy có sự biến đổi về nhánh gien ở chủng virus cúm A/H5N1 nhưng rất may chưa có sự biến đổi về độc lực. Tuy vậy, với các loại virus cúm nói chung, người dân không nên chủ quan và cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh. Virus cúm có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc nên người bệnh cần đeo khẩu trang hoặc che miệng khi ho; không khạc nhổ bừa bãi để tránh lây lan cho người thân và cộng đồng. Để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý; đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN