Cúm mùa đang tấn công người lớn và trẻ em, nhiều người biến chứng nặng

Sự kiện: Cảm cúm Sống khỏe

Sau Tết Nguyên đán, nhiều người lớn và trẻ em phải nhập viện vì cúm mùa, biến chứng nặng, có người tử vong, có người nguy kịch.

Tại khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) thời gian qua liên tiếp tiếp nhận bệnh nhân cúm mùa nguy kịch. Trong đó, trường hợp bà mẹ trẻ mang song thai 24 tuần không thể qua khỏi, hai trường hợp khác đang phải điều trị tích cực.

Tại BV Đa khoa Ninh Bình, ê kíp của khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cũng hỗ trợ kỹ thuật tim phổi nhân tạo cho một trường hợp nhiễm cúm mùa trầm trọng, sau đó mới có thể chuyển bệnh nhân ra Hà Nội, trong quá trình vận chuyển nhiều lần người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch.

Cúm mùa đang tấn công người lớn và trẻ em, nhiều người biến chứng nặng - 1

Các bác sĩ đang hội chẩn cho ca bệnh cúm mùa biến chứng nặng.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Ths.bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 3-15 trẻ nhiễm cúm vào điều trị. Từ đầu năm 2019 đến nay đã có 3 ca biến chứng viêm não sau cúm, tăng cao so với mọi năm.

Trường hợp bệnh nhi 5 tuổi nhập viện với triệu chứng sốt cao, nôn khan và đau đầu. Ngoài ra, còn bệnh nhi 2 tuổi sau 3 ngày sốt cao, đến ngày thứ 4 đỡ sốt nhưng lại li bì, chậm chạm, ngủ cả ngày không tỉnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán các cháu đều bị viêm não do biến chứng sau cúm.

PGS. TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây là loại cúm thường gặp ở Việt Nam. Đây là căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, thau chậu…).

PGS Phu cho biết, đa phần khi mắc cúm người bệnh sẽ tự khỏi. Ở giai đoạn đầu bệnh thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, lạnh run, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, ăn không ngon.

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40 – 41 độ C, sốt thường kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể lên tới 4 - 8 ngày.

Tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể tiến triển ác tính với sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong.

Vì thế, khi có các triệu chứng tiến triển cần phải đến viện để được thăm khám kịp thời. Đặc biệt là những trường hợp mắc bệnh mãn tính như suy thận, đái tháo đường...

Các bác sĩ cũng cảnh báo, cúm lây lan rất mạnh qua đường hô hấp.

Đối với trẻ, triệu trứng là các bé sốt rất cao (39-40 độ), nếu xử lý thuốc hạ sốt không tốt sẽ gây tình trạng co giật, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Ngoài sốt còn một số triệu chứng khác như ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, đau họng, buồn nôn, khám họng có viêm đỏ, có thể viêm phế quản. Biến chứng hay gặp nhất của cúm là sốt quá cao gây co giật (trên 39,5 độ), viêm phổi có thể do virut cúm hoặc viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn khác có trong hầu họng của bệnh nhân. 

Do đó, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng cúm. Vắc-xin cúm mỗi năm tiêm một lần, có hiệu quả bảo vệ phòng cúm trong một năm.

Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh cúm. Không tự ý sử dụng thuốc.

Bệnh cúm thường gặp nhưng có thể gây tử vong rất nhanh

Bệnh cúm được xem là bệnh thông thường, trong đời ai cũng có thể mắc phải, Tuy nhiên các chuyên gia y tế cảnh báo, không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Cảm cúm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN