Cúm A/H5N1: Ngành y tế ngồi trên đống lửa

Ngành y tế các tỉnh phía Nam đang khá lúng túng khi lần đầu tiên đối phó với hiểm họa cúm A/H5N1 từ đàn chim yến và chim trĩ.

Ngày 22/4, Viện Pasteur TPHCM xác nhận trường hợp thứ hai nhiễm cúm A/H5N1 tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong tháng 4-2013. Đó là bệnh nhân nữ N.T.N.D (20 tuổi, ngụ huyện Tân Hưng - Long An) nhiễm cúm khi cùng gia đình làm thịt và ăn 2 con vịt bị bệnh.

Chim trĩ cũng nhiễm virus H5N1

Cùng với diễn biến này, thông tin công bố dịch cúm A/H5N1 trên chim yến tại tỉnh Ninh Thuận khiến ngành y tế các tỉnh phía Nam luôn đặt trong tình thế sẵn sàng đối phó với dịch. Tại Tiền Giang, thống kê cho thấy toàn tỉnh có trên 550 hộ nuôi chim yến, chủ yếu nuôi tự phát và chim yến tự vào nhà nuôi chứ không nhập con giống. Dù chưa phát hiện trường hợp chim yến chết nhưng tỉnh này đã phát hiện xác 117 con chim trĩ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1. Hiện các cơ quan chức năng đã tiêu hủy toàn bộ đàn chim trĩ này và cho tiêu độc khử trùng.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết chi cục vừa lấy 6 mẫu máu trên đàn chim yến nuôi ở phường Bửu Long, TP Biên Hòa để xét nghiệm. Hiện Đồng Nai có 182 hộ nuôi chim yến, 29 hộ nuôi chim trĩ với hơn 4.000 con. Theo chi cục thú y, chim trĩ cũng có nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 cao như chim yến nuôi.

Cúm A/H5N1: Ngành y tế ngồi trên đống lửa - 1

Nhà yến dày đặc trong khu dân cư ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ - TPHCM. Ảnh: PHẠM DŨNG

Ông Quang thừa nhận việc nuôi yến của các hộ dân từ trước tới nay không có cơ quan nào quản lý vì chưa hề có văn bản pháp lý nào quy định. Do đó, vấn đề phòng ngừa và xử lý dịch bệnh hiện rất lúng túng, chỉ có hướng dẫn chung chung cho các hộ nuôi về vệ sinh chuồng trại để phòng ngừa. “Là chim trời cá nước, không thể tiêm vắc-xin phòng ngừa như gia cầm nuôi nên công tác phòng dịch hết sức khó khăn. Chúng tôi vừa xử lý vừa chờ đợi sự hỗ trợ về chuyên môn từ cấp trên…” - ông Quang nói.

Lên kịch bản chống dịch

Trong khi đó, dù chưa xác định dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên chim yến tại TPHCM nhưng với sự tồn tại của hơn 300 nhà nuôi chim yến trong nội thành thì không loại trừ khả năng dịch bùng phát. Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TPHCM, cho biết trong tuần qua đã lấy thêm 32 mẫu trên chim yến để đi xét nghiệm, kết quả đều cho âm tính. Chi cục đang tiến hành xây dựng phương án xử lý dịch bệnh cúm trên đàn yến nếu có xảy ra dịch bệnh để kịp thời ứng phó trong tình huống xấu nhất.

Theo BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM, việc phòng chống dịch cúm A/H5N1 trên chim yến nằm trong chương trình phòng chống dịch bệnh cúm của TP nói chung. Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP, sở đã lên kịch bản để sẵn sàng đối phó dịch bệnh; đặc biệt là cúm A/H5N1, A/H7N9.

Theo đó, sở đã yêu cầu Phòng Quản lý dược chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, sinh phẩm y tế phục vụ cho công tác phòng chống và điều trị bệnh cúm A/H5N1, A/H7N9. Riêng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm phải tăng cường phối hợp với Sở NN-PTNT, Sở Công Thương kiểm soát nguồn gia cầm nhập vào TP nhằm phát hiện sớm các loại gia cầm không rõ nguồn gốc, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người tiêu dùng.

Các bệnh viện như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch làm chủ lực trong việc thu nhận, điều trị. Tất cả bệnh viện công tư còn lại đều trong tư thế sẵn sàng phát hiện, xử lý những ca nghi ngờ và chuyển lên tuyến trên phù hợp.

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trước thông tin chim yến ở tỉnh Ninh Thuận nhiễm cúm A/H5N1, trung tâm đã đẩy mạnh việc tuyên truyền cho các hộ dân nuôi chim yến tại huyện Nhà Bè và Cần Giờ cảnh giác với cúm A/H5N1.

Do chưa có vắc-xin nên cách phòng ngừa cơ bản là các hộ dân nuôi chim yến cần phải mang đồ bảo hộ, đeo khẩu trang N95 chuyên biệt của y tế khi vào nhà yến làm việc. Với những gia đình sử dụng nước bọt của chim yến chế biến sản phẩm cũng phải dùng đồ bảo hộ đúng chuyên môn y tế. Những trường hợp thấy ho, sốt, viêm phổi... cần phải đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.

Thêm 3 người nhiễm cúm A/H1N1

Ngày 22-4, BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi N.T.H (12 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Lộc - Thanh Hóa) trong tình trạng phổi tổn thương rất nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với cúm A/H1N1. Hiện bệnh nhi vẫn đang trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Trước đó, anh rể H. ở Hà Nội bị cúm có về thăm quê, sau đó lây bệnh cho 3 người trong gia đình. Hai người khác đã tự khỏi bệnh.

Cùng ngày, Trung tâm Y tế TP Yên Bái xác nhận ông N.V.H (SN 1948) và vợ là N.T.T (SN 1961, ngụ phường Nguyễn Thái Học) nhiễm cúm A/H1N1. Trước khi bị bệnh 1 ngày, ông H. đã làm thịt chim sẻ. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái bác tin ông H. bị cúm do làm thịt hoặc ăn thịt chim sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo nhóm PV (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN