Cúm A/H1N1 đang lây nhanh
Khảo sát mới nhất của Viện Pasteur TPHCM cho thấy, cứ 100 người đến khám bệnh thì có 2 người bị nhiễm cúm A/H1N1.
Liên tiếp tử vong do cúm A/H1N1
Bến Tre vừa ghi nhận ca tử vong do cúm A/H1N1 đầu tiên của tỉnh này vào ngày 12/6 vừa qua. Như vậy, chỉ riêng các tỉnh phía Nam trong vòng hai tháng qua đã có năm trường hợp tử vong do mắc bệnh này. Bác sĩ Hoàng Lan Phương- Phó Khoa Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trước đó trong hai ngày 3 và 4/ 6 bệnh viện này có 2 trường hợp tử vong do dính cúm A/H1N1.
Vắc- xin cúm được chỉ định sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi, có thể phòng cả A/H3N2, A/H1N1 và chủng cúm B. Khoảng 2 tuần sau chủng ngừa, cơ thể sẽ tạo được đầy đủ kháng thể bảo vệ giúp bạn phòng ngừa bệnh cúm. Tuy nhiên, những người bị di ứng với trứng gà hay thịt gà thì không nên tiêm vắc- xin cúm.
Bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1 tại TP HCM. Ảnh: L.N.
Điều bác sĩ Phương lo ngại là việc lây cúm từ những người trong gia đình, từ người khỏe sang người thể trạng yếu đang hiện hữu. Có cơ sở để khẳng định điều này, bởi sản phụ M.V, 24 tuổi ở quận 9 vừa tử vong tại bệnh viện này do cúm bị lây bệnh từ chồng. “Trước khi người vợ bị bệnh, người chồng bị cảm cúm trong vòng 3 ngày rồi khỏi và sau đó thì người vợ lây bệnh”- bác sĩ Phương cho biết.
Vắc- xin cúm được chỉ định sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi, có thể phòng cả A/H3N2, A/H1N1 và chủng cúm B. Khoảng 2 tuần sau chủng ngừa, cơ thể sẽ tạo được đầy đủ kháng thể bảo vệ giúp bạn phòng ngừa bệnh cúm. Tuy nhiên, những người bị di ứng với trứng gà hay thịt gà thì không nên tiêm vắc- xin cúm. BS Nguyễn Thị Minh Phượng |
Điều đáng nói, mức độ lây lan và tử vong cúm A/H1N1 có dấu hiệu tăng nhanh. Chỉ trong 3 ngày liên tiếp đầu tháng Sáu ở TPHCM đã có 3 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1.
Bác sĩ Nguyễn Ánh Tuyết- Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM cho biết ngoài ca tử vong do cúm A/H1N1 mới đây, hiện tại bệnh viện đang điều trị cho 3 trường hợp khác nghi ngờ bị nhiễm cúm A/H1N1.
Theo Th.s Lê Văn Tuân - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam hiện cúm A/H1N1 không xuất hiện theo mùa như trước mà đang có xu hướng lây lan mầm bệnh ở mọi thời điểm trong năm. Ông cho rằng nhiều khả năng những ca tử vong liên tiếp vì cúm A/H1N1 mới đây không loại trừ chủng virus có những biến đổi.
Trong khi đó, thống kê của Bộ Y tế trong năm tháng đầu năm 2013 cũng cho thấy cả nước có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong đó phân tuýp cúm A/H1N1 chiếm 46% các trường hợp mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm. Số ca nhiễm cúm A/H1N1 nặng cao hơn hẳn so với 2 năm trước.
Không nên coi thường
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng- Khoa Kiểm soát dịch bệnh thuộc Viện Pasteur TPHCM, hiện nay cúm đang lưu hành mạnh tại Việt Nam. Virus cúm có rất nhiều chủng nhưng chủng A và B được xác định có khả năng biến đổi hằng năm, có khả năng gây bệnh nghiêm trọng và trở thành dịch.
Bệnh cúm có mức lây nhiễm rất cao do lây nhiễm qua đường hô hấp, lây lan giữa người với người. Vì vậy, những nơi có cộng đồng dân cư đông đúc như nhà trẻ, trường học, khu công nghiệp, cao ốc văn phòng hay khu nhà tập thể ….rất dễ bùng phát dịch bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Ánh Tuyết cho biết, mặc dù có rất nhiều nguy cơ nhưng phần lớn bệnh nhân vẫn chủ quan vì khởi phát của bệnh cúm thường ho, sốt cao, đau họng nên dễ gây nhầm lẫn như bệnh cảm lạnh khiến nhiều người chủ quan. Qua phân tích mức độ nguy hiểm của cúm, giai đoạn bệnh khởi phát ban đầu người dân rất khó phân biệt cúm thông thường với cúm A/H1N1 hay cúm A/H5N1, A/H3N2.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng cho rằng, không thể xem thường bệnh cúm A/H1N1 bởi diễn tiến bệnh nặng nề hơn nếu không phát hiện sớm. Ngoài ra, dịch cúm có khả năng gây tử vong cao cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và những người mắc bệnh mạn tính.
Với điều kiện khí hậu nhiệt đới, thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa như hiện nay được xem là điều kiện lý tưởng để virus phát triển. “Giải pháp phòng ngừa chủ động hiện nay chính tiêm ngừa bằng vắc-xin cúm ngay khi có thể”- bác sĩ Phượng khuyên.