"Cực nhọc" như....đi khám thai
Đến Bệnh viện Phụ sản trung ương (Tràng Thi - Hà Nội) vào bất cứ buổi sáng nào trong tuần, cả ngày thứ 7 và chủ nhật, hình ảnh quen thuộc đó là quang cảnh đông đúc từ ngoài vào trong.
Khắp mọi lối vào, cổng chính, cổng phụ của bệnh viện, tình trạng đông nghịt người bệnh luôn diễn ra. Từ ghế đá, cầu thang đến cả chân tượng đài trong khuôn viên của bệnh viện, bệnh nhân, người nhà ngồi la liệt với đống đồ đạc lỉnh kỉnh, ủ rũ chờ đợi đến lượt mình giữa cái nắng oi bức, khiến cho không khí càng trở nên ngột ngạt. Từ sáng sớm, nhà xe, vỉa hè (phía phố Hai Bà Trưng) chật kín xe máy, đại sảnh tầng 1 nhà G của bệnh viện – nơi dành cho người bệnh đến thăm khám mua phiếu và ngồi chờ, gần như không còn một chỗ trống...
Bệnh nhân và người nhà với đồ đạc lỉnh kỉnh, có thể gục xuống bất kỳ nơi đâu trong lúc chờ đợi
Chị Nguyễn Thị Mai đến từ Hà Nam lên cho biết, chị cùng chồng từ nhà đi lúc 4 giờ sáng, lên tới bệnh viện khi chưa đầy 6h, ấy thế mà “đã có đến hàng trăm người ngồi chờ la liệt, chật kín rồi”. Bốc được con số 1058 (bệnh viện phát phiếu bắt đầu từ số 1001), chị vẫn tươi cười nói: “Như thế này là may mắn lắm rồi, chứ còn khối người chỉ chậm hơn mình một chút thôi mà cách đến hàng trăm số thì còn phải chờ dài”. Chị cho biết, với nhiều thủ tục, xét nghiệm cũng như các công đoạn khác nhau, có khả năng vẫn phải đến chiều mới về được...
Mong muốn đến các bệnh viện uy tín, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương là tâm lý chung của bất kì người bệnh nào mỗi khi có nhu cầu khám chữa bệnh. Chị Mai Hương (Ninh Giang, Hải Dương) cho biết, sau hai lần đẻ non và không giữ được con tại bệnh viện địa phương, chị cảm thấy "không an tâm" khi khám chữa ở bệnh viện tuyến dưới”. Chính vì thế, từ lần mang thai này, vợ chồng anh chị đều đặn lên đây khám hằng tháng. Tuy nhiên, việc “vác bụng bầu” gần 8 tháng với quãng đường cả trăm cây số thực sự là một điều không hề dễ dàng. “Đã thế lên đây còn phải ngồi chờ mãi mới đến lượt mình nữa, thực sự là quá khổ!”. Chị cho biết thêm, hai vợ chồng thường xuất phát khoảng 5 giờ sáng và đến tận 7 giờ tối mới về đến nhà.
Có thực tế là, không phải bất kì trường hợp nào khi đến đây cũng đều do bệnh viện tuyến dưới không đủ khả năng khám chữa. Chị Hoàng Thanh Thủy, một giáo viên tiểu học đến từ Nam Sách - Hải Dương chia sẻ: “Mỗi lần đi khám là một lần cực nhọc, chi bằng cứ lên thẳng bệnh viện tuyến trung ương khám, như thế sẽ cảm thấy yên tâm hơn nhiều”. Với suy nghĩ đó, cả hai vợ chồng xin nghỉ làm, đi từ 5 giờ sáng. Tuy nhiên, sau khi tiến hành các xét nghiệp, các bác sỹ ở đây kết luận triệu chứng bệnh lý phụ khoa của chị không có gì đáng ngại và hoàn toàn nằm trong khả năng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế tuyến dưới.v.v và v.v.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đón nhận từ 1500 đến 1700 bệnh nhân khám ngoại trú. Trong đó khám thai dao động từ 100 đến 200 trường hợp; còn chủ yếu là khám các bệnh lý phụ khoa, khám vô sinh. Trong số đó gần 50% là người dân thủ đô, còn lại hơn 50% là các trường hợp đến từ các tỉnh thành lân cận.
Theo Tiến sỹ Lê Hoài Chương, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, trong số những bệnh nhân khám ngoại trú tại đây, có quá nửa là các trường hợp đến từ những tỉnh thành ngoài Hà Nội; và phần đông là những người làm nông nghiệp. Vì thế, chỉ một vài thời điểm như gần tết, sau tết, hoặc vào các mùa vụ, áp lực bệnh nhân có giảm bớt chút ít, do đây là thời điểm người dân bận rộn với công viêc đồng áng, còn lại lúc nào cũng đông nghịt. Rõ ràng, chính tâm lý muốn lên thẳng các bệnh viện tuyến trên đã tạo thêm mức độ quá tải tại các bệnh viện uy tín, đặc biệt là tuyến trung ương. Bệnh viện Phụ sản Trung ương trở thành lựa chọn số một của nhiều chị em mỗi khi cần khám các bệnh phụ nữ và thai sản. Vì thế, dù chính thức phát phiếu và số khám bệnh từ 6h30, nhưng bệnh viện chật kín chỗ cả tiếng đồng hồ trước đó.