Củ sả có tác dụng thế nào trong phòng COVID-19?
Những ngày gần đây, củ sả trở thành mặt hàng được nhiều người dân tìm mua và tích trữ, vì thế loại cây có giá rẻ, dễ mua này bỗng trở nên đắt đỏ, khó mua. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết dùng sả thế nào cho đúng và hiệu quả trong phòng bệnh.
Bất kể những gì được truyền tai nhau là có thể phòng ngừa và giúp giảm các triệu chứng khi nhiễm COVID-19 đều có thể cháy hàng, tăng giá cao so với giá trị thực tế, trong đó có các loại như tía tô, gừng, sả...
1. Sả tăng giá cao vì người dân tìm mua nhiều
Mấy ngày gần đây, khi số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, số F0 điều trị tại nhà khá đông khiến nhiều người lo lắng, ngoài việc chuẩn bị các loại thuốc dự phòng cho điều trị, mọi người còn tìm mua các loại gừng, sả, tía tô để pha trà uống, xông và cất để dành.
Sáng 18/2, dạo một vòng quanh chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) để tìm mua sả cũng không dễ dàng gì vì nhiều người đi chợ sớm đã mua gần hết, người 1 kg, người vài kg. Bình thường giá 1 kg sả là khoảng 15.000 đồng nay có giá từ 30 đến 40.000 đồng/1 kg.
Chị N.T. V cho biết, chị không có ý định đi chợ mua sả nhưng thấy mọi người xung quanh mua nhiều quá nên cũng mua 1 kg để phòng khi cần đến. Đây chính là tâm lý chung khá phổ biến của không ít người, lo lắng thì mua chứ để làm gì và làm thế nào cho đúng, củ sả có tác dụng gì thì không phải ai cũng biết.
Thực tế, gừng, sả là các loại gia vị được sử dụng trong chế biến món ăn và có nhiều tác dụng phòng bệnh nhưng phải được dùng đúng bệnh, đúng người, đúng lúc mới phát huy tác dụng.
2. Các chuyên gia Đông y nói gì về tác dụng của củ sả?
Cây sả có tên khoa học Cymbopogon citratus (L.) Pers, họ lúa (Poaceae). Theo Đông y, trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, cây sả được dùng với tên thuốc là hương mao hay hương thảo. Sả có vị cay the, thơm, tính ấm, có tác dụng ra mồ hôi, giúp chống viêm, tiêu đờm, sát khuẩn, khử mùi hôi; Trị ăn kém chậm tiêu, viêm đường tiết niệu, tiểu rắt, tiểu buốt, viêm khí phế quản, viêm họng, ho có đờm.
Trong củ sả có chứa nhiều loại vitamin và các khoáng chất cần thiết tốt cho sức khỏe như: B1, B2, B3, B5, B6, axit folic, kali, canxi, magie, phốt pho, mangan, đồng, kẽm và sắt. Ngoài ra, cây sả chủ yếu chứa tinh dầu citral, citronellol và geraniol và tinh dầu. Tinh dầu sả được dùng làm thuốc trợ tiêu hoá, đuổi muỗi, làm nước hoa, xà phòng thơm.
Với những đặc điểm dược tính trên, củ sả có thể thích hợp với nhiều người nhiễm COVID-19 khi có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, ho, không ra hoặc ra ít mồ hôi, đầy bụng, nôn ói hoặc nhức mỏi…
Tuy nhiên, Lương y Nguyễn Minh Phúc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP. Vũng Tàu cho rằng: Mặc dù cây sả có nhiều công dụng hữu ích nhưng không phải ai cũng dùng được, nhất là có một số trường hợp không nên hoặc hạn chế dùng như:
Người có thể trạng gầy gò, nóng nhiệt, âm hư, ra nhiều mồ hôi, giai đoạn sốt cao, miệng khô khát. Hoặc giai đoạn hết sốt người nóng bứt rứt, khó ngủ, ho khan, mất khứu giác, da khô sần...
Các trường hợp này nên kiêng dùng sả, hoặc chỉ dùng với số lượng rất ít khi thật sự cần thiết.
TS. Nguyễn Đức Quang cho biết, sả có thể dùng để nấu nước xông cảm cúm, sốt, nhức đầu: lá sả, lá tre, cúc tần, lá bưởi, hương nhu mỗi loại 50g…
Nước gội đầu: lá sả 50g, mần trầu 50g, bồ kết 5 quả. Nấu nước gội đầu, làm trơn tóc sạch gàu, phòng tránh bệnh về tóc và da đầu.
Trị tiêu chảy: rễ sả, củ gấu, vỏ rụt, vỏ quýt, hậu phác mỗi vị 6-12g. Sắc uống trong ngày.
Chữa đầy bụng, đau bụng: tinh dầu sả 3 - 6 giọt nhỏ vào cốc nước rồi uống.
TTƯT.DSCKII. Đỗ Huy Bích thông tin, nõn sả thường được người dân vùng cao dùng để muối dưa ăn để phòng khí lạnh, sốt rét ngã nước.
Về chữa bệnh, trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, sả được dùng với tên thuốc là hương mao hay hương thảo. Dược liệu có vị the, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, sát khuẩn, chống viêm, hạ khí, thông tiểu, tiêu đờm.
Hiểu đúng công dụng của sả, gừng trong mùa dịch
Thuốc xông giải cảm: Lá sả, lá bưởi, lá chanh, cúc tần, hương nhu hoặc lá bạch đàn (có thể thêm tía tô, bạc hà, kinh giới), mỗi thứ 50g, cho vào nồi, đậy kín, đun sôi trong 5-10 phút. Lấy ra, mở vung, trùm chăn xông hơi cho ra mồ hôi, lau khô, rồi uống một bát nước thuốc, đắp chăn, nằm nghỉ.
Chữa tiêu chảy: Rễ sả 10g; củ gấu, vỏ rụt, mỗi vị 8g; vỏ quýt, hậu phác, mỗi vị 6g; sắc uống. Hoặc rễ sả 10g, búp ổi 8g, củ riềng già 8g, thái nhỏ, sao qua, sắc đặc uống.
Chữa ho: Rễ sả, trần bì, sinh khương, tô tử, mỗi vị 250g (4 vị này giã nát, ngâm rượu 40o vừa đủ để được 200ml); bách bộ bỏ lõi, thái nhỏ, sao khô 500g; mạch môn bỏ lõi 300g; tang bạch bì tẩm mật, sao vàng 200g (3 vị này sắc và cô đặc lại thành 300ml cao lỏng). Trộn lẫn cao lỏng và rượu thuốc. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10ml.
Tinh dầu: Chiết được từ lá và rễ sả được dùng uống, mỗi lần 3-6 giọt pha trong sữa và nước thành nhũ tương, có tác dụng thông trung tiện, chống nôn, giảm đau, chữa đầy bụng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
Dùng ngoài, tinh dầu sả phối hợp với nhiều loại tinh dầu khác để xoa bóp làm giảm đau xương, đau mình, nhức mỏi. Bôi trên da hoặc phun trong nhà, dầu sả là thuốc diệt muỗi, dĩn, bọ chét.
Theo BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ: Bài thuốc truyền tai nhau nhiều nhất, khẳng định có hiệu quả "phòng cúm 100%" là: 5 cây sả, 1 nhánh gừng, 3 trái chanh bỏ đông đá, 2 - 3 lá dứa cho vào nồi nấu, để nguội pha với mật ong uống nhiều lần trong ngày.
Theo đó, người ta còn khẳng định bài thuốc này là sự kết hợp giá trị giữa các vị thuốc: sát khuẩn (mật ong), chống oxy hóa, giữ ấm cơ thể (gừng), thanh lọc cơ thể, chống nhiễm trùng (sả) và tăng cường sức đề kháng với vitamin C (chanh). Nhiều người đã thực hiện theo bài thuốc này, trong đó không ít người uống thay nước lọc.
Trên thực tế, bài thuốc này người xưa đã dùng, nhưng chỉ có công dụng cải thiện sức khỏe khi bị cảm lạnh, cảm mạo. Tuy nhiên, dịch COVID-19 là do virus gây ra với nhiều biến thể nguy hiểm nên không thể lấy bài thuốc này để phòng ngừa, càng không có công dụng trong điều trị COVID-19. Việc sử dụng bài thuốc dân gian trên một cách thường xuyên, liên tục có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Nhiều người quan niệm sai là bài thuốc dân gian không có hại mà không biết rằng không nên dùng thảo dược trong thời gian dài, nhất là khi không biết cơ thể mình thuộc thể nào: hàn, nhiệt ra sao.
3. Cách làm nước gừng, chanh, sả giúp tăng sức đề kháng
Nguyên liệu gồm:
1 quả chanh2 - 3 cây sả50g gừng20 - 40g đường phèn¼ thìa cà phê muối
Chế biến như sau:
Bước 1: Lột bỏ phần vỏ già bên ngoài của sả, cắt bỏ phần lá xanh ở trên rồi rửa sạch, cắt khúc khoảng 7 - 10cm, sau đó đập dập. Gừng rửa sạch, giữ nguyên vỏ, cắt lát 0,5cm rồi đập dập. Chanh rửa sạch, vắt lấy nước cốt (muốn ăn chua, có thể thêm khoảng nửa quả nữa).
Bước 2: Cho khoảng 1,5 - 2 lít nước vào đun, cho đường phèn vào cùng, đun đến khi sôi nước, đường phèn tan hết thì cho sả vào, đun sôi tiếp khoảng 3 - 5 phút rồi cho gừng vào, đun thêm 1 - 2 phút và tắt bếp. Lúc này, bỏ số muối nhỏ đã chuẩn bị vào và để nguội.
Bước 3: Đặt nguyên nồi trên bếp rồi đậy nắp trong 30 phút. Sau đó, vớt bỏ phần xác trong nồi rồi lọc lại phần nước qua rây một lần nữa nhằm loại bỏ phần cặn nhỏ và để nguội.
Bước 4: Sau khi nước gừng và sả nguội hẳn, cho thêm nước cốt chanh vào. Lưu ý điều chỉnh vị nước theo khẩu vị riêng. Nếu thấy chưa đủ ngọt, có thể pha thêm đường nhưng chú ý không nên quá ngọt, ăn đường nhiều sẽ không tốt. Nước gừng, chanh, sả có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 2 - 3 ngày.
4. Cách bảo quản sả trong thời tiết nồm
Những ngày mưa nồm ẩm ướt, các loại cây gia vị như sả thường ẩm ướt và dính đất bẩn, do đó khi mua nhiều về cần sơ chế, bảo quản đúng cách.
Trước tiên, cần rửa sạch sả và để ráo nước, sau đó cắt bỏ phần lá già, sâu, cứng, cắt bỏ đoạn đầu và ngọn cây sả.
Có thế cắt sả thành từng khúc, thái nhỏ hoặc để nguyên cây tùy ý và cho vào túi nilon, ép bớt không khí, đóng mép túi nếu là túi zip và cất vào ngăn đá tủ lạnh để bảo quản.
Phần lá già có thể tận dụng đun cùng vỏ bưởi để thơm nhà.
Những thông tin lan truyền trên mạng về bài thuốc gừng, chanh, sả được dùng để ngăn ngừa hoặc chữa trị COVID-19 là không có cơ sở khoa học. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy những gia vị thực phẩm này có khả năng ức chế virus, bất kể chủng virus nào, đặc biệt là virus nCoV.
Sở dĩ, cần phải tuân theo khoảng thời gian xét nghiệm là do virus SARS-CoV-2 khi xâm nhập vào cơ thể sẽ cần thời gian để sinh sôi và phát triển đến mức "đủ" số lượng...
Nguồn: [Link nguồn]