COVID-19 có thể ảnh hưởng đến tim, ngay cả sau khi đã hồi phục
Theo tin tức của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều người sống sót sau COVID-19 có thể gặp một số loại tổn thương tim, ngay cả khi họ không bị mắc bệnh tim tiềm ẩn. Điều này sẽ khiến các chuyên gia chăm sóc sức khỏe lo lắng về khả năng gia tăng bệnh suy tim.
Tiến sĩ Gregg Fonarow, trưởng khoa Tim mạch tại Đại học California, Los Angeles, cho biết: Ngay từ khi đại dịch mới xảy ra, nhiều bệnh nhân nhập viện với COVID-19 đã có dấu hiệu bị tổn thương tim. Gần đây, có ghi nhận rằng ngay cả một số bệnh nhân COVID-19 không nhập viện cũng bị tổn thương tim. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng có thể có những người đã qua khỏi đợt nhiễm trùng ban đầu, nhưng vẫn để lại tổn thương tim mạch và biến chứng.
COVID-19 có thể ảnh hưởng đến tim.
TS Fonarow cho biết những biến chứng này, chẳng hạn như viêm cơ tim có thể dẫn đến sự gia tăng suy tim. Ông cũng lo ngại về những người mắc bệnh tim từ trước, không mắc COVID-19 nhưng tránh đến bệnh viện với các vấn đề về tim vì sợ bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2. Hậu quả của điều này cũng sẽ làm gia tăng bệnh suy tim. Vì vậy, nếu người bệnh có các triệu chứng của đau tim hoặc đột quỵ cần đến phòng cấp cứu sẽ an toàn hơn là cố gắng tự xử lý ở nhà. TS Fonarow nhấn mạnh. Gần một phần tư số người nhập viện do COVID-19 đã được chẩn đoán với các biến chứng tim mạch, đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra khoảng 40% tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19.
Hai nghiên cứu gần đây còn cho thấy tổn thương tim của những người bị nhiễm COVID-19 có thể lan rộng hơn. Trong JAMA Cardiology (tuần san sức khỏe chuyên về các chủ đề tim mạch của Hiệp hội Y khoa Mỹ), một phân tích khám nghiệm tử thi được thực hiện trên 39 bệnh nhân COVID-19 đã xác định tình trạng nhiễm trùng trong tim của những bệnh nhân không được chẩn đoán có vấn đề về tim mạch khi họ bị COVID-19. Một nghiên cứu khác về Tim mạch của JAMA đã sử dụng MRI tim trên 100 người đã hồi phục sau COVID-19 trong vòng hai đến ba tháng qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những bất thường trong tim của 78% bệnh nhân đã hồi phục và 60% "đang tiếp tục viêm cơ tim". Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy mức độ cao của men troponin trong máu, một chỉ số của tổn thương tim ở 76% bệnh nhân được kiểm tra, mặc dù chức năng tim thường được bảo tồn. Hầu hết bệnh nhân trong nghiên cứu không cần nhập viện.
Như vậy, việc sàng lọc để phát hiện tổn thương tim mạch có nên trở thành một phần thường quy trong chăm sóc theo dõi cho bệnh nhân COVID-19 hay không? Trước khi đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào về chụp ảnh tim định kỳ, chúng tôi cần các nghiên cứu bổ sung giúp xác định tần suất xảy ra hiện tượng này và các yếu tố nguy cơ là gì. TS Fonarow cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, những người đang hồi phục sau COVID-19 nên theo dõi các triệu chứng và hỏi ý kiến bác sĩ nếu họ gặp phải. Đó là: Khó thở tăng dần, đau ngực, sưng mắt cá chân, tim đập nhanh, nhịp tim không đều, không thể nằm thẳng, choáng váng hoặc chóng mặt…
Tuy nhiên, đối với một người đã bị COVID-19 và hồi phục mà không có triệu chứng của bệnh tim, cũng có thể một số tổn thương tim mạch có thể tự chữa lành, nhưng nếu có lo ngại gì nên thảo luận với bác sĩ. TS Fonarow cho biết.
Nghiên cứu của ĐH y khoa Tulane, Mỹ (TUSM) hội chứng chuyển hóa (MS) là thủ phạm làm tăng tỷ lệ tử vong do COVID-19 gấp 3...
Nguồn: [Link nguồn]