Con trầm cảm nặng, bố mẹ nói 'lấy cớ, giả vờ'
TP HCM - Phát hiện Mai, 18 tuổi, tự tử bất thành, gia đình thờ ơ, cho rằng em nổi loạn, răn đe nghiêm khắc, khiến nữ sinh tìm đến cái chết lần 2.
Từ những năm cấp 2, Mai bắt đầu bị stress vì áp lực học tập. Nhiều lần, em than thở đau đầu, căng thẳng, người mẹ mắng mỏ: "Lại lấy cớ phải không? Hãy xem bạn bè đang làm những gì kia kìa", nữ sinh kể lại, hôm 13/6.
Để giải tỏa cảm xúc, Mai nhiều lần âm thầm rạch tay, cào cấu làm đau bản thân. Đầu năm nay, khi bước vào học kỳ cuối của chương trình phổ thông, bên tai cô gái xuất hiện ảo thanh với những tiếng nói như: "Mày tệ lắm", "mày sống chẳng có ích gì" hay "mày nên chết đi thôi". Như được thôi thúc, Mai mua 9 viên thuốc an thần uống, người nhà tình cờ phát hiện, đưa em nhập viện.
Cho rằng Mai nổi loạn, chọn cách tự tử để hù dọa, người mẹ mắng chửi và răn đe nghiêm khắc, yêu cầu con hứa không lặp lại sai phạm. Từ ngày xuất viện, Mai càng thu mình, không muốn giao tiếp, tự nhốt mình trong phòng. Đầu tháng 6, em được người nhà phát hiện tự tử lần hai, đưa đi cấp cứu kịp thời và chuyển sang khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP HCM.
"Em thấy cuộc sống thật bế tắc khi không ai hiểu mình nên quyết định giải thoát", nữ sinh tâm sự.
Bác sĩ Trần Minh Khuyên, Khoa Tâm thể, xác định Mai mắc trầm cảm nặng với triệu chứng loạn thần, phải điều trị thuốc và kết hợp liệu pháp tâm lý.
Tương tự, Lam, 18 tuổi, bị trầm cảm do chứng kiến quá nhiều xung đột trong gia đình. Em có học lực xuất sắc nhiều năm, bỗng nhiên giảm sút khi bắt đầu học cấp 3.
"Bố mẹ lúc nào cũng cãi nhau, bố bỏ đi khỏi nhà, mẹ thì quát mắng, con cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa", nam sinh tâm sự khi đến Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP HCM khám.
Lam kể từ năm lớp 10, cậu cảm thấy buồn bã, chán nản, dần tách khỏi bạn bè và các hoạt động ở trường. Nam sinh thường mơ thấy cảnh bố mẹ bạo hành lẫn nhau. Khi thức giấc, Lam rạch tay, đầu tiên là vết nhỏ, sau đó tăng dần. Khi thấy con kéo rèm, đóng cửa, nằm một chỗ, bỏ tắm rửa, mẹ cậu không hỏi han, chỉ trách mắng nam sinh "lấy cớ để lười biếng". Đến khi Lam có hành vi tự sát, phải nhập viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán trầm cảm nặng, người mẹ mới biết đến căn bệnh này.
Bác sĩ Khuyên tham vấn tâm lý cho một bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Trầm cảm ở trẻ vị thành niên là chứng rối loạn tâm lý phổ biến, có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, khó hòa nhập với xã hội, rối loạn ăn uống, giấc ngủ, tự hạ thấp giá trị bản thân. Ở mức độ nghiêm trọng, trầm cảm có thể khiến trẻ có xu hướng suy nghĩ về cái chết, tự tử.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Nhi trung ương, nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong nhận biết các biểu hiện trầm cảm cũng như tìm kiếm phương thức để cùng con vượt qua. Một số người khác kỳ thị và định kiến về bệnh, cho rằng con "giả vờ, lấy cớ, diễn, làm quá". Khi con chia sẻ, họ cho rằng "đây là biểu hiện của sự yếu đuối", yêu cầu trẻ "phải mạnh mẽ, dùng nỗ lực và ý chí vượt qua".
"Thậm chí, nhiều trẻ được chẩn đoán bệnh nhưng phụ huynh không tin, không chấp nhận", bác sĩ Khuyên cho hay. Sự thờ ơ của gia đình dẫn đến bệnh của trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong đó có hành vi tự sát.
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, cho biết trầm cảm là một căn bệnh, giống như mọi người bị đau bụng, đau răng, cần được thăm khám và điều trị.
Khi được phát hiện sớm, có phác đồ điều trị đúng, trẻ có thể khỏi bệnh, trở lại cuộc sống bình thường. Do đó, việc được bố mẹ quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu là một trong vũ khí quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi trầm cảm cũng như các rối loạn tâm thần khác.
Ngoài ra, khi các em lớn lên trong gia đình hạnh phúc, được chăm sóc toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, trang bị các năng lực cảm xúc và giải quyết vấn đề, sẽ là "vaccine" hữu hiệu phòng ngừa trầm cảm.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm mỗi năm là 0,3-7,8% ở trẻ dưới 13 tuổi, 1-2% ở tuổi 13 và 3-7% ở tuổi 15. Sau hai năm đại dịch, sự suy giảm sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên gia tăng trên toàn cầu, đến mức nhiều chuyên gia và bác sĩ cho rằng đây là tình trạng y tế khẩn cấp. Lý do là mức độ gia tăng của bệnh tâm thần, sự thiếu hụt nghiêm trọng các nhà trị liệu cùng các phương pháp điều trị và không đủ nghiên cứu để giải thích cuộc khủng hoảng này.
Năm 2022, Bộ Y tế thống kê tỷ lệ trẻ mắc các bệnh rối loạn tâm thần trên toàn quốc là 12%, tương đương hơn ba triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Matthew Collins (35 tuổi, xứ Wales) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não không thể chữa khỏi và hiện phải đối mặt với tiên lượng rất xấu.
Nguồn: [Link nguồn]