Con nghiện hút chỉ vì một lời nói lạnh lùng của bố

Nhiều cha mẹ không có kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì nên những lần dạy dỗ trẻ sai cách đã dẫn đến những sai lầm tai hại như trẻ bị tâm thần, trẻ bỏ nhà đi, làm việc xấu…

Anh Trung, sống tại TP.HCM, vẫn còn ân hận khi nhớ đến cuộc đấu khẩu không cân sức với cậu con trai 15 tuổi. Khi ấy cậu con trai mang một bảng điểm “đẹp” về khoe với mẹ và 2 mẹ con đang “tâng bốc nhau” lên tận mây xanh thì anh Trung lạnh lùng nói: “Cũng thường thôi!”. 

Thái độ ấy khiến cậu con trai mới lớn như muốn nhào vào cào cấu bố và thét lên: “Bố muốn gì ở con? Điềm này đâu phải do con cướp được”.

Tiếp sau đó là những ngày không khí gia đình căng thẳng khi hai cha con không hiểu nhau. Và đỉnh điểm đến một ngày, cậu bé viết thư để lại cho gia đình với lời nhắn: “Con đang làm bố thất vọng phải không? Bố đừng kỳ vọng vào con vì con sẽ không làm được những điều bố muốn đâu. Sao lúc nào bố cũng ép con? Bố hãy chuyển hết ước mơ về con sang cho em con đi vì nó rất thông minh và rất giống bố” rồi bỏ đi.

Phải đến 1 tháng sau, gia đình mới tìm được cậu con trai khi công an thông báo bị bắt vì nghiện hút ma túy. “Lúc đó tôi tá hỏa và ân hận mãi khi luôn dạy con theo kiểu áp đảo, không thèm nghe bất kì lời thanh minh cũng như phớt lờ cảm xúc của con. Cố tình phủ nhận những kết quả mà con đã đạt được. Giá như…”, anh Trung thở dài.

Con nghiện hút chỉ vì một lời nói lạnh lùng của bố - 1

Nhiều phụ huynh thường dạy con bằng những lời mắng nhiếc dẫn đến đứa trẻ bị tâm thần trong chính ngôi nhà của mình. Ảnh minh họa

Từng có kinh nghiệm hơn 10 năm tư vấn tâm lý cho những phụ huynh có con đang tuổi dậy thì qua tổng đài 1080 nhưng không ít lần bà Võ Thị Minh Huệ phải chấp nhận thất bại với công việc. 

Bà Huệ cho biết, ca tham vấn thất bại mà bà nhớ nhất kéo dài tới 4 tháng với một người mẹ ở Long An. Người mẹ này có một cậu con trai duy nhất, vốn là đứa trẻ bình thường, học tốt, có nhiều bạn bè.

Thế nhưng, thấy con ngày càng đẹp trai, được nhiều cô bạn cùng lớp thích, sợ con sẽ lơ đễnh học hành hay có thể dại dột làm “chuyện người lớn” nên người mẹ quyết liệt cấm con chơi với các bạn gái. 

Song, khi cậu bé chỉ chơi với các bạn trai thì người mẹ lại nơm nớp lo sợ con bị “gay”. Vậy là mọi cử chỉ, lời nói cậu bé đều bị quy vào tội giới tính không bình thường. Và những biện pháp đe nẹt, bêu rếu cậu bé, thậm chí dọa tử tự nếu cậu bé là “gay” được nhắc đi nhắc lại mỗi ngày.

Dù bà Huệ cô gắng giải thích nhưng vị phụ huynh này vẫn bằng mọi cách chứng minh con trai mình bất ổn. Cuối cùng, cậu con trai bị hoảng loạn tinh thần, phải nhập viện điều trị chứng trầm cảm, lo âu. 

“Tôi phải chuyển ca tư vấn này đến một đến một đồng nghiệp ở Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa – Đồng Nai. Rất tiếc vì không thể lay chuyển người mẹ này nhìn nhận giới tính của cậu con trai và tệ hơn là không thể giúp gì cho cậu bé tội nghiệp ấy”, bà Huệ chua xót nói.

Bà Huệ cho rằng, cậu con trai 17 tuổi bị rối loạn tâm thần vì người mẹ đã không thấu hiểu con mà chỉ miệt mài đổ tội cho cậu bé khiến cậu không chịu chia sẻ cảm xúc thật của mình. Hai mẹ con đã phải trả giá cho sự bảo thủ này.

Cũng theo bà Huệ, trẻ vào tuổi dậy thì thường mất cân bằng trong cuộc sống, hay có những phút bốc đồng, xốc nổi. muốn bỏ nhà đi mà không biết trước sẽ đi đâu, làm gì, sống ra sao. 

Chúng chỉ đơn giản muốn thoải mái, tự do, tự quyết định mọi việc như người lớn mà không hề biết tự do nào cũng phải trả giá, quyết định nào cũng có nguy cơ rủi ro.

Vì vậy, các phụ huynh phải chấp nhận sự thay đổi của con ở tuổi dậy thì để khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngắn lại. Bởi sự cô lập, cô đơn chỉ khiến con cái mất đi điểm tựa gia đình đáng tin cậy, mất đi phương hướng, từ đó dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn, dễ bị bạn bè lôi kéo và trở nên hư hỏng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Ngà (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN