Con mắc bệnh tiểu đường, ngốn kẹo điên cuồng
Bệnh tiểu đường tuýp 1 là bệnh di truyền nhưng số trẻ em mắc bệnh này đang gia tăng đáng kể. Đa số cha mẹ các bé đều nghĩ rằng tiểu đường chỉ xảy ra ở người lớn.
Con đột nhiên thèm ăn đồ ngọt Hai mẹ con chị Bùi Thị Liên (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa kết thúc 1 tuần điều trị bệnh tiểu đường trong bệnh viện Nhi trung ương. Hành trang họ mang về nhà chỉ đơn giản là chiếc máy đo đường huyết được các bác sĩ tư vấn và cần thiết để hàng ngày đo đường huyết cho các cháu.
Bệnh nhi đang điều trị bệnh tiểu đường tại Bệnh viện Nhi Trung ương Chị Liên kể bé Anh Thư nhà chị 6 tuổi từ khi sinh ra đến nay hoàn toàn khỏe mạnh. 6 năm nuôi con nhỏ chị tạm thở phào vì chưa phải đưa con vào bệnh viện ngày nào. Nhưng đến cuối tháng 9 vừa qua, chị thấy con có biểu hiện mệt mỏi, thèm ăn kẹo và các loại đồ ngọt, đi tiểu nhiều lần về đêm và nước tiểu vàng. Thấy con đi tiểu nhiều, uống nước nhiều mà nước tiểu vẫn vàng và có mùi tanh nên vợ chồng chị đưa con vào bệnh viện khám.
Ở phòng khám, qua nghe chị Liên kể bệnh thì các bác sĩ đã chẩn đoán khả năng bé bị tiểu đường tuyp 1 và cần đưa vào bệnh viện điều trị ngay. Chị vội vàng đưa con vào viện nằm điều trị. Đến nay đã được 10 ngày, lượng đường huyết của bé đã trở về vị trí an toàn nhưng các bác sĩ cho biết trường hợp của bé Anh Thư cũng không thể chủ quan. Bé sẽ phải dùng thuốc điều trị bệnh này đến cuối đời mình.
Đa số cha mẹ các bé đều nghĩ rằng tiểu đường chỉ xảy ra ở người lớn.
Hay trường hợp của bé Phạm Phúc An con chị Lương Thị Thảo (Khoái Châu, Hưng Yên) cũng tương tự. Phúc An 3 tuổi nhưng nghiện bánh ngọt. Điều khiến chị Thảo lo lắng là từ trước khi bị bệnh cháu ăn rất ít, thậm chí ghét đồ ngọt, bánh kem nhưng đột nhiên cháu nghiện. Nếu không có kẹo, bé lân la vào tìm lọ đường và xúc đường ăn như ăn cơm.
Khi đi tiểu, nước tiểu của Phúc An có kiến bò, ruồi bâu. Trong thâm tâm chị có chút lo sợ về bệnh tiểu đường nên chị đưa con đi khám. Hơn nữa, bố chồng chị Thảo cũng có tiền sử với bệnh tiểu đường nên chị không thể chủ quan.
Các bác sĩ xét nghiệm phát hiện Phúc An cũng bị tiểu đường dạng tuyp 1. Bé ở viện đã hai tuần nhưng lượng đường huyết đo hàng ngày vẫn cao nên bác sĩ giữ lại điều trị thêm. Chị Thảo chỉ khóc “em sinh con đầu lòng, bệnh này di truyền và không thể phòng trừ được nên cứ nghĩ con phải dùng thuốc hết đời và lần sinh sau cũng có khả năng mắc bệnh này là em cuống lên không biết làm sao cả”.
Nếu phát hiện muộn trẻ có thể bị hôn mê
Các bác sĩ khoa Nội tiết, chuyển hóa và di truyền BV Nhi trung ương đây là một bệnh hết sức nguy hiểm, bệnh như kẻ giết người giấu mặt. Tiểu đường liên quan đến các yếu tố di truyền. Dù bệnh không lây nhiễm nhưng trong nhà có người bị bệnh, cha mẹ mắc thì khi sinh con nên chủ động làm các xét nghiệm.
Có trường hợp trẻ sơ sinh đã mắc tiểu đường. Nguyên nhân tiểu đường týp 1 không phải là do ăn quá nhiều đường hoặc bất kì thức ăn nào khác. Tiểu đường tuyp1 trẻ phải điều trị đến suốt đời.
Nếu trẻ bị tiểu đường mà không được phát hiện sớm, bệnh diễn biến nhanh trẻ sẽ trở nên mệt mỏi, kiệt sức. Nồng độ glucose và xê-ton trong máu tăng lên rất cao, tình trạng mất nước nặng xuất hiện, trẻ sẽ hôn mê.
Chẩn đoán bệnh tiểu đường rất đơn giản. Nếu thấy các triệu chứng của bệnh tiểu đường, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm nước tiểu tìm glucose và xê-ton và xét nghiệm máu đánh giá lượng đường huyết. Bình thường nước tiểu không chứa glucose, glucose chỉ có thể tràn vào nước tiểu khi lượng đường trong máu cao. Nếu còn nghi ngờ, có thể làm thêm một xét nghiệm máu nữa gọi là xét nghiệm dung nạp glucose. Trẻ bị tiểu đường mỗi ngày phải đo đường huyết 5 đến 7 lần.