Còn giữ thói quen này đừng mong thoát cơn đau trĩ
Nhịn đi vệ sinh hoặc xem điện thoại trong thời gian đi vệ sinh cũng là nguyên nhân khiến bệnh trĩ nặng lên.
PGS.TS. Mai Tất Tố, nguyên giảng viên Đại học Dược Hà Nội cho biết, bệnh trĩ hay còn gọi là bệnh lòi dom có thể xảy ra với cả nam và nữ giới, ở các lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là từ 30 – 60 tuổi.
Theo chuyên gia, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ thường là những người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động như: cán bộ văn phòng, lái xe và nam giới uống rượu, bia nhiều.
Ngoài ra, các đối tượng bị bệnh táo bón mạn tính cũng hay mắc bệnh trĩ. Bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm do ngại ngùng, nhất là phụ nữ.
Thói quen ăn uống nhiều chất béo, khó tiêu, đồ ăn nhiều tính cay nóng như ớt, hạt tiêu, mì tôm dễ gây táo bón…. Nhịn hoặc xem điện thoại trong thời gian đi vệ sinh cũng là nguyên nhân khiến bệnh trĩ nặng lên.
Vừa xem điện thoại vừa đi vệ sinh rất dễ mắc bệnh trĩ. (Ảnh minh họa)
Nhiều người không biết rằng, các triệu chứng chảy máu không chỉ gặp ở trĩ nội, trĩ ngoại mà đôi khi còn gặp ở bệnh ung thư hậu môn, trực tràng. Vì vậy, nếu không đi khám, đến khi ung thư phát triển thì khả năng điều trị rất khó khăn.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam cho rằng, muốn chữa táo bón, trĩ hiệu quả thì người bệnh phải đi khám. Người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt (ngay từ khi có biểu hiện đi ngoài ra máu tươi đã phải đi khám). Khi ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc, thực phẩm chức năng cũng như chú ý chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, tránh ngồi xổm, vác nặng...
Nếu trĩ ở độ 1, 2 thì có thể áp dụng chế độ dinh dưỡng gồm các thực phẩm an toàn, nhuận tràng, giúp đi ngoài dễ dàng, không gây tiêu chảy cũng như lối sống hợp lý (năng vận động, không vác nặng, ngồi xổm…).
Nếu người bệnh chuyển sang trĩ độ 3 thì khả năng chữa khỏi rất ít. Lúc này người bệnh phải cần phẫu thuật, trừ khi người bệnh kiên trì trong chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, bảo đảm không bị táo bón, tiêu chảy, kiết lị, những búi trĩ không lớn thêm, chảy máu nhiều.
PGS.TS. Mai Tất Tố khuyến cáo tránh để bệnh trĩ tái đi tái lại nhiều lần vì những lần tái phát sau sẽ càng nặng hơn lần trước. Các triệu chứng như chảy máu sẽ rầm rộ hơn thậm chí có người chảy máu thành tia như cắt tiết gà, búi trĩ viêm sưng phồng cọ sát khi vận động vô cùng đau đớn.
Khi bệnh nặng đến độ 3, độ 4, các búi trĩ phát triển to gây sung huyết, sa búi trĩ gây tắc nghẽn mạch… thì có thể phải điều trị bằng phẫu thuật để tránh các biến chứng khó lường. Phẫu thuật cắt trĩ thường gây đau đớn, cần thời gian để phục hồi sức khỏe và có thể gặp phải các rủi ro như hư hỏng cơ vòng hậu môn, hẹp hậu môn, rò hậu môn…
Không phải như suy nghĩ của nhiều người là sau khi phẫu thuật, búi trĩ sẽ không “mọc” ra nữa, nếu không giữ gìn ăn uống điều trị đúng, tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật là rất cao.
Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân nên đi khám và điều trị sớm để đạt hiệu quả cao và ít tốn kém. Việc dùng thuốc phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc, dùng đúng liều và đúng thời gian quy định.
Cách phòng bệnh trĩ Cách phòng bệnh tốt nhất là chế độ ăn uống thích hợp, dùng thực phẩm có nhiều chất xơ như rau xanh (rau khoai lang, rau mùng tơi…), ăn hoa quả tươi (chuối, đu đủ..), hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, các chất cay nóng như ớt, hạt tiêu. Uống nhiều nước để làm phân mềm, chống táo bón, đảm bảo lượng nước uống nhiều hơn 2 lít/ngày. Không nên nhịn đi vệ sinh vì phân sẽ tích tụ lâu ở ruột trở nên khô cứng, gây khó khăn cho việc đi ngoài. Không nên ngồi hoặc đứng quá lâu vì sẽ gây tăng áp lực lên tĩnh mạch hậu môn, đồng thời gây ứ trệ máu, căng phồng tĩnh mạch. Trong trường hợp phải đứng hoặc ngồi lâu nên nghỉ giải lao giữa giờ để thay đổi tư thế. Ngoài ra, cần sinh hoạt điều độ và tập thể dục đều đặn hàng ngày như đi bộ, bơi lội… giúp nhu động ruột hoạt động tốt. Giữ vùng hậu môn sạch sẽ và khô ráo. Điều trị một số bệnh mạn tính làm tăng áp lực ổ bụng và thành tĩnh mạch hậu môn như lỵ, viêm phế quản, giãn phế quản… |