Cơm giá rẻ: Công nhân ngộ độc tập thể

Trừ chiết khấu cho người ký hợp đồng và thuế giá trị gia tăng, suất ăn công nhân chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng.

Ngày 2/7, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM chính thức thông báo có gần 260 công nhân Công ty May Shin Dong (quận 12, TP.HCM) bị ngộ độc thực phẩm vào tối 1-7. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm thứ hai xảy ra trong năm 2014 và cũng là vụ ngộ độc có nhiều người mắc.

Tiền ăn ít, thực phẩm rẻ

Có mặt tại BV quận 12 vào tối 1-7, PV Pháp Luật TP.HCM đã tiếp xúc với những công nhân bị ngộ độc thực phẩm để tìm câu trả lời: Vì sao các vụ ngộ độc tập thể vẫn liên tục xảy ra?

Đang nằm truyền dịch trên giường bệnh, anh H. (xin giấu tên) nói: “Tôi không biết mỗi suất ăn trị giá bao nhiêu nhưng bữa cơm chiều nay, mỗi phần ăn chỉ có miếng trứng chiên, bắp cải xào cùng chén canh rau dền thịt bằm nên ai nấy đều ngán. Món bắp cải xào lại có mùi chua chua nên sau khi ăn nhiều người bị đau bụng, chóng mặt, ói mửa…”. Nằm cạnh đó, chị T. với khuôn mặt còn mệt mỏi cho biết công nhân đã từng đề nghị công ty tăng tiền ăn để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn. “Tiền ăn ít, người nấu sẽ mua thực phẩm rẻ, không nguồn gốc… Mỗi lần ngồi vô bàn ăn là chúng tôi phập phồng lo ngộ độc thực phẩm và nỗi lo của chúng tôi đã thành sự thật” - chị T. nói.

Cơm giá rẻ: Công nhân ngộ độc tập thể - 1

Hàng trăm công nhân Công ty May Shin Dong bị ngộ độc thực phẩm được chăm sóc tại BV quận 12 tối 1-7. Ảnh: XUÂN NGỌC

Do số công nhân bị ngộ độc quá đông, BV quận 12 hạn chế người nhà vào phòng chăm sóc. Ngoài hành lang, ông M., cha của một công nhân, bồn chồn: “Con tôi đi làm về thường lấy cơm ăn thêm. Con tôi giải thích do suất cơm ở công ty vừa ít thức ăn vừa nguội nên ăn không được nhiều, mau đói…”.

Chỉ 10.000-13.000 đồng/suất cơm

Đại diện Ban Quản lý Khu chế xuất (KCX)- Khu công nghiệp (KCN) TP.HCM (HEPZA) cho biết TP.HCM hiện có khoảng 1.050 doanh nghiệp (DN) tập trung trong các KCX-KCN, thu hút gần 270.000 lao động. Tuy nhiên, chỉ hơn 180 DN có bếp ăn tập thể, còn các DN khác hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn nấu sẵn hoặc phát tiền ăn cho công nhân. “Tiền ăn cho công nhân do DN cân đối và quyết định, HEPZA không có quyền can thiệp. Tuy nhiên, HEPZA luôn yêu cầu các DN hỗ trợ tiền ăn cho công nhân hợp lý để vừa cải thiện chế độ dinh dưỡng vừa đảm bảo an toàn” - vị đại diện này nói.

Trong khi đó, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết qua khảo sát, cơ quan này ghi nhận bình quân mỗi suất ăn công nhân trong các KCX-KCN dao động từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng. “Với tiền ăn ít ỏi như thế, lại chịu nhiều chi phí nên nhà bếp hoặc cơ sở nấu ăn sẵn lựa mua thực phẩm rẻ tiền, thiếu an toàn” - BS Mai nhận định.

BS Mai cho biết thêm không ít cơ sở cung cấp suất ăn nấu sẵn sử dụng phương tiện không đạt chuẩn để vận chuyển suất cơm công nhân. Có DN phải tổ chức 3-4 đợt ăn cho công nhân khiến thời gian chờ tới lượt ăn cơm của công nhân kéo dài, thức ăn không được hâm nóng nên dễ nhiễm vi sinh gây ngộ độc.

Nâng tiền suất ăn, nấu tại chỗ

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cả DN lẫn công nhân đều thiệt thòi khi ngộ độc thực phẩm xảy ra. Chi phí bình quân cho một vụ điều tra ngộ độc thực phẩm (xét nghiệm các mẫu thức ăn, cấp cứu người bị ngộ độc...) khoảng 50 triệu đồng. Ngoài thanh toán số tiền trên, DN còn bị ảnh hưởng do thời gian ngưng hoạt động, thanh toán tiền nghỉ việc cho công nhân bị ngộ độc… Đối với công nhân, ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là những công nhân đang mang thai…

Nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm, BS Mai đề nghị DN nào có hơn 1.000 công nhân nên tự tổ chức nấu ăn tại chỗ. Đối với cơ sở cung cấp suất ăn nấu sẵn, thời gian bảo quản và vận chuyển thức ăn chín từ lúc chế biến xong đến khi ăn không được để quá bốn giờ (nếu thực phẩm không thể bảo quản nóng, lạnh…). Thời gian từ khi vận chuyển thức ăn nấu chín đến khi ăn trong trường hợp không có trang thiết bị bảo quản chuyên dụng (ủ nóng, tủ đông lạnh) không quá hai giờ. Nếu quá thời gian trên, thức ăn phải được gia nhiệt, hâm nóng để đảm bảo an toàn.

“Chúng tôi đã từng điều tra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm và nhận định suất ăn càng ít tiền thì nguy cơ ngộ độc xảy ra càng cao. Chúng tôi chỉ mong các DN chú trọng suất ăn của công nhân hơn nữa bằng cách nâng mức tiền ăn, tập huấn kiến thức ATVSTP cho những người tham gia chế biến thực phẩm, giám sát những cơ sở cung cấp suất ăn sẵn…” - ông Hòa bày tỏ.

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, KCN… vẫn diễn biến phức tạp. Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Kim Tiến là do việc sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình nên trang thiết bị, nhà xưởng không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Kinh phí chi cho bữa ăn tại KCN thấp, do đó một bộ phận lớn các cơ sở chấp nhận sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tôi hợp đồng cung cấp suất ăn nấu sẵn cho nhiều DN với mức 14.000 đồng/suất. Mỗi suất ăn chúng tôi phải chiết khấu cho người ký hợp đồng 10%, đóng thuế giá trị gia tăng 10%, còn lại 11.200 đồng. Chúng tôi phải trả tiền người phụ việc, vận chuyển, chất đốt… nên suất ăn thực tế của công nhân còn độ 7.000-8.000 đồng. Với số tiền ít ỏi đó buộc chúng tôi phải mua nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, không nguồn gốc.

Bà C., chủ một cơ sở cung cấp suất ăn nấu sẵn ở TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Ngọc (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN