Có thể xét nghiệm để phát hiện ung thư từ “trứng nước”
Ung thư tiêu hóa tại Việt Nam đang gia tăng trong thời gian vừa qua đặc biệt là ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy. Theo các bác sĩ thực hiện một vài xét nghiệm có thể biết được dấu hiệu sớm gây ung thư.
Ảnh minh hoạ
Cần kiểm tra sàng lọc
Theo PGS.TS, Nguyễn nghiêm Luật – Nguyên là Trưởng bộ môn Hóa-Sinh trường Đại Học Y Hà Nội, uớc tính mỗi năm Việt Nam có thêm vài chục ngàn người mắc bệnh ung thư đại trực tràng, trong số đó chỉ có khoảng 1/3 được chẩn đoán sớm, còn lại hơn một nửa trong số đó tử vong. Theo thống kê, Việt Nam chi tới gần 9 nghìn tỷ đồng hàng năm để điều trị cho căn bệnh này, chưa kể những bệnh nhân tự đi nước ngoài chữa bệnh.
Ung thư đại trực tràng dù là căn bệnh nguy hiểm, nhiều người mắc, nhưng nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì chỉ 11% tái phát trong năm đầu tiên. Nhiều bệnh nhân đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh, hiện đã ngoài 80 tuổi.
Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh ung thư đại trực tràng là điều hết sức quan trọng, ảnh hưởng tiên quyết đến kết quả điều trị.
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật cho biết hiện nay có nhiều phương pháp xét nghiệm có thể chỉ điểm ung thư đặc biệt trong ung thư tiêu hóa. Nếu có thể làm các xét nghiệm để tìm ra các mắc cơ chỉ điểm dấu hiệu ung thư.
Hiện nay, các bệnh viện có xét nghiệm CEA là một kháng nguyên có ở tế bào ruột của thai nhi và khi trưởng thành thì chỉ còn nồng độ rất thấp ở trong máu. Khi bệnh nhân mắc ung thư, đặc biệt các ung thư tế bào biểu mô, nồng độ CEA tăng lên. Các ung thư dạ dày, ruột, vú, phổi, tuyến tuỵ... thường có tăng CEA. Bình thường nồng độ CEA là 0-5 ng/ml.Tỷ lệ các bênh nhân ung thư có tăng CEA > 5 ng/ml tuỳ theo các phủ tạng khác nhau nhưng thường dao động từ 50-70%.
Cụ thể, mức độ CEA trong các dịch chọc dò ở người không ung thư có giá trị gần như mức độ CEA trong huyết tương người bình thường. Ví dụ: Mức độ CEA dịch màng bụng (peritoneal fluid) ở người không ung thư là < 4,6 ng/mL, giá trị cắt là < 5,0 ng/mL. Mức độ CEA dịch màng phổi (pleural fluid) ở người không ung thư có giá trị cắt là 2,4 ng/mL. Mức độ CEA dịch não tủy (cerebrospinal fluid) ở người không ung thư là 1,53±0,38 ng/mL.
Độ nhạy lâm sàng của CEA để chẩn đoán ung thư đại trực tràng là 50%, độ đặc hiệu là 90%, tần suất ung thư đại trực trang chỉ là 50/ 100.000 dân/ năm. Điều này có nghĩa là chỉ có 1/ 400 xét nghiệm CEA (+) tính là (+) tính thật; vì vậy, giá trị chẩn đoán (+) tính chỉ là 0,65%.
Mức độ CEA có khuynh hướng tăng cao hơn khi bệnh tiến triển. Sử dụng điểm cắt 5 ng/mL, tỷ lệ bệnh nhân có các giá trị CEA tăng tương ứng với các giai đoạn ung thư đại tràng giai đoạn Dukes A, B, C và D là 3-20%, 25-60%, 45-80% và 65-85%.
Trong ung thư đại trực tràng, mức độ CEA có thể được sử dụng để tiên lượng và phát hiện khối u còn sót lại sau phẫu thuật. Mức độ CEA trước phẫu thuật cũng là một giá trị tiên lượng và xác định giai đoạn của khối u. Nói chung, các khối u có mức độ CEA cao thường có liên quan đến tiên lượng kém (poor prognosis).
Tuy nhiên trong một số bệnh lý không phải ung thư nhưng nồng độ CEA cũng tăng: Bệnh lý dạ dày ruột (polyp, viêm ruột loét, bệnh Crohn), bệnh phổi (khí phế thũng, viêm phế quản mạn), bệnh gan (viêm đường mật, viêm gan mạn tiến triển, xơ gan do rượu), viêm tuyến vú mạn tính, viêm tuỵ mạn. Những người hút thuốc, nồng độ CEA tăng nhưng ít khi vượt quá 10 ng/ml.
Giá trị của xét nghiệm CEA là định hướng chẩn đoán và theo dõi điều trị. CEA tăng không đồng nghĩa là bệnh nhân bị ung thư vì như trên đã đề cập, có rất nhiều bệnh lý không phải ung thư nhưng vẫn có nồng độ CEA tăng...
Ngược lại CEA bình thường cũng không loại trừ khả năng bị ung thư vì có tới 30-50% các bệnh nhân ung thư dạ dày, ruột, vú, phổi, tuyến tuỵ... nhưng nồng độ CEA vẫn không cao. Xét nghiệm CEA là xét nghiệm có giá trị để theo dõi điều trị, đặc biệt với các bệnh nhân trước khi điều trị có nồng độ CEA cao.