Có thể tiêu diệt được ổ HIV ẩn náu trong cơ thể con người ?
Một thử nghiệm lâm sàng ban đầu cho thấy sự thành công của phương pháp điều trị mới đối với virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) có thể đẩy virus ra khỏi nơi ẩn náu trong cơ thể. Điều này làm dấy lên hy vọng có thể xóa sổ được những ổ chứa HIV tiềm ẩn trong cơ thể người và có thể thanh toán được bệnh AIDS.
HIV ẩn náu trong hệ thống thần kinh và các mô khác trong cơ thể, nơi rất khó nhắm mục tiêu và điều trị. (Ảnh: Kateryna Kon/Thư viện ảnh khoa học)
Kết quả mới này vừa được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm gợi ý rằng, có thể sử dụng phương pháp này như một bước tiến tới việc chữa khỏi bệnh có HIV cho người.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ David Margolis, giáo sư y khoa, vi sinh, miễn dịch học và dịch tễ học tại Trường Y khoa Chapel Hill thuộc Đại học Bắc Carolina (UNC), Mỹ, cho biết: “Đây không phải là một cuộc chạy đua, mà chúng ta cần những công cụ tốt hơn, thuốc tốt hơn, phương pháp tiếp cận tốt hơn”.
HIV tiềm ẩn
Với các loại thuốc kháng virus hiện đại, các bác sĩ có thể ngăn chặn HIV lây lan từ tế bào này sang tế bào khác trong cơ thể, cho phép những người bị nhiễm HIV sống cuộc sống bình thường. Nhiều người đạt được tải lượng virus không thể phát hiện được, nghĩa là họ không thể truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục.
Nhưng HIV là một retrovirus, có nghĩa là nó kết hợp mã di truyền của nó vào ADN của tế bào và ẩn náu vô thời hạn, tạo ra một ổ chứa virus có thể kích hoạt lại sự lây nhiễm toàn diện bất cứ lúc nào. Để ngăn chặn tình trạng nhiễm HIV tiến triển thành hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS), người nhiễm HIV phải dùng thuốc kháng virus suốt đời.
Để thực sự chữa khỏi bệnh này, ổ chứa HIV tiềm ẩn phải được đẩy ra ngoài và tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, đó là một thách thức, Edward Browne, giáo sư y khoa tại Trường Y của UNC, người trước đây đã hợp tác với Margolis, cho biết.
HIV ẩn chứa nhiều loại tế bào khác nhau ở những nơi khó điều trị, chẳng hạn như ruột và hệ thần kinh. Và việc xua đuổi virus chưa đủ mạnh để tiêu diệt nó hoàn toàn.
Browne nói: “Chúng tôi phải thực hiện hai phương pháp cùng một lúc. Chúng tôi phải kích hoạt lại đủ lượng protein virus mà hệ miễn dịch có thể nhìn thấy và phải có được cơ chế tác động miễn dịch ở đúng nơi, đúng thời điểm để tiêu diệt chúng".
Margolis và nhóm của ông đã thử nghiệm phương pháp mới bằng vorinuler, một loại thuốc được chứng minh là có thể "đánh thức" HIV tiềm ẩn trong nhiều nghiên cứu trước đây. Để tấn công virus đã được kích hoạt, họ lấy tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân, xác định những tế bào được lập trình để tấn công HIV, sau đó nuôi cấy các tế bào này và tái truyền chúng vào bệnh nhân.
Sáu bệnh nhân trong giai đoạn đầu của thử nghiệm đã nhận được một lượng tế bào miễn dịch chuyên biệt tiêu chuẩn. Trên thực tế, Vorinuler đã kích hoạt lại HIV tiềm ẩn của họ, nhưng ổ chứa HIV chỉ giảm ở một trong số sáu bệnh nhân.
Trong một nhóm ba bệnh nhân riêng biệt, các nhà nghiên cứu đã tăng liều lượng tế bào chống HIV lên gấp 5 lần và nhận thấy lượng tế bào chứa HIV của cả ba người đều giảm đi một chút. Margolis cho biết, mức giảm không đủ mạnh để bệnh nhân có thể ngừng dùng thuốc ức chế HIV, nhưng điều này hứa hẹn rằng, kết quả phụ thuộc vào liều lượng của tế bào miễn dịch.
Margolis và nhóm của ông hiện đang nghiên cứu một chiến lược sử dụng vorinuler và một kháng thể chống lại HIV được tạo ra phòng thí nghiệm để có thể đánh dấu virus đã hoạt động trở lại để tiêu diệt tốt hơn. Họ cũng đang nghiên cứu một phương pháp khác để đảo ngược độ trễ của HIV có vẻ hoạt động tốt hơn vorinuler.
Ngoài ra, một số nhóm khác đang cố gắng tiêu diệt HIV tiềm ẩn như sử dụng protein miễn dịch, trong khi những người khác vẫn đang cố gắng tách HIV ra khỏi tế bào bằng hệ thống chỉnh sửa gien CRISPR.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu vẫn đang làm sáng tỏ cơ sở khoa học cơ bản về sự tiềm ẩn của HIV. Một số người đang khám phá ý tưởng đẩy virus ẩn sâu hơn, đảm bảo rằng nó sẽ không bao giờ kích hoạt lại.
Khác với 5 bệnh nhân khỏi HIV trước đó, người đàn ông Thụy Sĩ đã được điều trị mà không cần phải ghép tủy từ người mang gien đột biến CCR5 delta 32...
Nguồn: [Link nguồn]