Có thể thụ tinh nhân tạo từ 3 nguồn gen
Chính quyền Anh Quốc vừa khiến dư luận nước này chấn động khi công bố sẽ xem xét cho phép các nhà khoa học sử dụng ADN từ 3 người khác nhau để thụ tinh nhân tạo.
Điều này sẽ giúp các bà mẹ mắc ti lạp thể - thường dẫn đến nhiều chứng bệnh khác nhau của con cái - có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Nếu dự định này được thông qua, người ta sẽ chứng kiến một sự kiện hy hữu: Đứa trẻ sinh ra có gen đã sửa đổi. Những điểm mạnh từ việc sửa đổi gen của đứa trẻ đó có thể được truyền đến cho con cháu đời sau.
Trẻ sinh ra với 3 nguồn gen khác nhau sẽ không gặp nhiều bệnh từ chứng ti lạp thể Ảnh: POPSCI
Giới khoa học đã đưa ra những cảnh báo, lo ngại về tính an toàn của kỹ thuật thay thế ti lạp thể. Kỹ thuật này trước đây từng được thử nghiệm trên tế bào người trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học lo ngại đây sẽ là bước đầu tiên dẫn đến việc những đứa trẻ được “thiết kế” qua lựa chọn gien.
Để hiểu rõ nhu cầu của kỹ thuật thay thế ti lạp thể, chúng ta nên biết về chứng bệnh này. Ngoài gien trong nhân các tế bào, con người còn có gen ti thể (mitochondrial genome). Các ti thể là những “nhà máy” trong tế bào, biến chất dinh dưỡng thành năng lượng. Mỗi loại ti thể có gen riêng. Nếu gen ti thể của một người có nhiều đột biến, người này có thể mắc nhiều chứng bệnh, trong đó có chứng loạn dưỡng cơ, bệnh tim và co giật, nặng sẽ dẫn đến tử vong.
Khoa học có thể khắc phục bệnh ti lạp thể bằng cách thay thế ti thể “bệnh tật” của người mẹ bằng ti thể khỏe mạnh của một người hiến tặng. Đứa trẻ sinh ra từ kỹ thuật này sẽ là sản phẩm của 3 nguồn gien từ 3 cá thể khác nhau và sẽ không gặp nhiều bệnh từ chứng ti lạp thể.
Ngoài ra, vì ti lạp thể không hề ảnh hưởng gì đến sự phát triển của ngoại hình hay tính cách, đứa trẻ vẫn giữ được các đặc điểm của cặp cha mẹ gốc.